Nhập siêu tăng vọt có kéo lãi suất tiền gửi tăng?

0
477

Thị trường tài chính Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 chứng kiến cán cân thương mại thâm hụt lớn, dấy lên nhiều lo ngại về nguồn cung thị trường ngoại tệ Việt Nam sẽ giảm sâu. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Kinh tế tài chính SCTV8/VITV về tình trạng nhập siêu và nhìn nhận trong mối tương quan với nguồn cung thị trường ngoại hối tại Việt Nam. Sau đây, SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn như dưới đây: 

1, Việc nhập siêu tăng vọt trong 5 tháng đầu năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung ngoại tệ của thị trường tài chính Việt Nam?

Trả lời:

Cán cân thương mại 5 tháng đầu năm 2021 nghiêng vê nhập siêu có gia tăng một sức ép đáng kể lên nguồn cung ngoại tệ của thị trường tài chính Việt Nam, tuy nhiên tình trạng cạn kiệt nguồn cung ngoại tệ đáng lo ngại sẽ không xảy ra. 

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 tháng qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau một thời gian dài xuất siêu. 

Trong những năm gần đây, nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động thương mại hàng hoá đóng góp phần quan trọng và góp phần vào sự ổn định của thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, diễn biến thâm hụt thương mại hàng hoá trở lại trong 5 tháng gần đây dấy lên lo ngại về sự suy yếu nguồn cung ngoại tệ, từ đó gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Việt Nam. 

Những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy những cố gắng trong ổn định nguồn cung ngoại tệ ở Việt Nam, làm giảm sức hút của ngoại tệ khi lưu thông trong thị trường tài chính. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ điều chỉnh giảm mạnh giá mua USD 150 đồng, xuống còn 22,975 đồng/USD từ ngày 8/6/2021. Và từ đầu năm nay, cơ quan này đã chuyển sang niêm yết ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, thay cho phương thức giao mua ngay trước đó. 

2, Có ý kiến cho rằng ngân hàng nên tăng lãi suất để thu hút người dân đổi ngoại tệ. Ông/bà có nhận định gì?

Trả lời:

Việc ngân hàng tăng lãi suất gây áp lực đẩy giá đồng ngoại tệ lên sẽ khuyến khích người dân đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, việc này chẳng những nhanh chóng xoá sạch thành quả chống đô la hoá đã đạt được trong những năm qua mà còn đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất vào trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Do vậy, Ngân hàng nhà nước hiện nay đã điều hành tiền tệ theo hướng giảm giá ngoại tệ, ngưng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua kỳ hạn ngoại tệ 6 tháng là một hành động hợp lý nhằm điều tiết thị trường ngoại hối, tránh khỏi những vi phạm theo pháp luật về thao túng tỷ giá của Mỹ.

Việc mua kỳ hạn ngoại tệ, nếu đúng như dự kiến, thì nửa cuối năm sẽ có lượng lớn ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước vào, đi kèm một lượng lớn tiền đồng tương ứng quy đổi theo tỷ giá được bơm ra thị trường.

Song, việc thông báo mua ngoại tệ tại thời điểm tương lai cho thấy mục tiêu tiếp tục củng cố ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Và có lẽ đây là mục tiêu hàng đầu trong chính sách tỷ giá này, bởi đây sẽ là nguồn lực quan trọng để cơ quan này bình ổn tỷ giá trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ trong khi một áp lực lớn lên tỷ giá từ việc FED sẽ tăng lãi suất đồng USD, vốn đã được dự báo trong tương lai gần. 

3, Giải pháp cần có trong thời gian tới?

Trả lời:

Có 3 yếu tố chính tạo nên mức nhập siêu này:

Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử – nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và làm cho xuất khẩu bị ảnh hưởng;

Thứ hai, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ hiện đang nhập nguyên liệu về để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, trả hàng theo đơn đã đặt của các đối tác nước ngoài từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng;

Thứ ba, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.

Có 4 giải pháp cần có trong những thời gian tới: 

Thứ nhất, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại;

Thứ hai, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; 

Thứ ba, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA);

Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Nguồn ảnh: VOV.vn