Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2018. Trong đó, một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, Điều 5 đã được sửa đổi theo hướng cho phép thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua SGDHH nước ngoài. Việc thanh toán đối với các giao dịch mua bán hàng hóa qua SGDHH ở nước ngoài được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế trên cơ sở tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối có liên quan. Do quy mô thị trường Việt Nam tương đối nhỏ nên việc hình thành riêng một SGDHH cho hàng hóa tại Việt Nam không phải là sự lựa chọn tối ưu. Do đó, việc mở cửa cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hóa qua SGDHH tại nước ngoài là điều rất cần thiết.
Thứ hai, Điều 6 Nghị định 158/2006/NĐ-CP đang quy định “Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần…”. Việc giới hạn loại hình hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa chỉ trong 02 hình thức trên đã hạn chế các doanh nghiệp khác đáp ứng đủ năng lực tham gia hoạt động này.
Để tạo sự bình đẳng về địa vị pháp lý cho các chủ thể kinh doanh trên thị trường, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do vậy, để phù hợp với thực tế triển khai cũng như các nguyên tắc Hiến đinh, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định 158/2006/NĐ-CP như sau: “Sở Giao dịch hàng hóa là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định của Nghị định này”.
Thứ ba, Điều 8 của Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã quy định khá rõ về điều kiện thành lập SGDHH. Cụ thể, SGDHH được thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện: (1) Có vốn điều lệ từ 150 tỉ đồng trở lên; (2) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH như: hệ thống máy chủ hoạt động ổn định và có tối thiểu một máy chủ dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng trong trường hợp hệ thống chính xảy ra sự cố; hệ thống máy chủ đảm bảo sao lưu dữ liệu của các ứng dụng nghiệp vụ, dữ liệu giao dịch, đảm bảo khôi phục thông tin dữ liệu trong trường hợp phát sinh sự cố; phần mềm ứng dụng phải thực hiện các yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; hệ thống phần mềm phải có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết mọi giao dịch hàng hóa, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu trong thời gian năm năm; hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng. Các quy định như trên được đánh giá là tương đối cụ thể, rõ ràng, minh bạch và bắt kịp với xu thế hiện nay.
Thứ tư, nghị định mới đã bổ sung một nội dung khá quan trọng liên quan đến quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia hoạt động mua bán hàng hóa và góp vốn vào SGDHH tại Việt Nam bằng việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của SGDHH tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của sở giao dịch (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.
Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập SGDHH được coi là giải pháp tích cực vì sẽ thu hút được nguồn lực mới. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, tỷ lệ tối đa vốn góp ở mức 49% chưa thực sự hấp dẫn, vì mức vốn góp này chưa có quyền quyết định. Nếu muốn thu hút tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài thì mức vốn góp tối đa cần được nâng lên ở mức cổ đông nước ngoài được quyền quyết định nhưng vẫn bảo đảm quyền tham gia và ra các quyết định quan trọng của cổ đông Việt Nam.
Thứ năm, về hàng hóa được mua bán qua sở giao dịch, Điều 32 của Nghị định 51 quy định rõ: (1) Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh, SGDHH phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để niêm yết giao dịch; (2) Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, SGDHH có trách nhiệm gửi một bộ hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch 30 ngày.
Thứ sáu, Khoản 1,2,3 Điều 34 Nghị định 158/2006/NĐ-CP đang quy định tổng hạn mức giao dịch đối với một loại hàng hoá của toàn bộ các hợp đồng đang trong thời hạn giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hoá đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó. Tuy vậy, theo thực tế triển khai thời gian qua, việc quy định như trên là không phù hợp với thực tiễn và không khuyến khích phát triển kinh tế. Do vậy, khoản 6 Điều 2 Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ nội dung này.