Những điểm mới quy định hoạt động thương mại điện tử

0
852

Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có bài phỏng vấn trao đổi về những điểm mới trong Nghị định với VOV – Đài tiếng nói Việt Nam.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Câu 1: Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện gì?

Trả lời:

Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Khoản 12 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 30 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, như năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Câu 2: Quy định tại Nghị định mới đã cải thiện, tháo gỡ những bất cập gì tại Nghị định cũ?

Trả lời:

So với Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung những điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, có định nghĩa về dịch vụ thương mại điện tử, theo đó, dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.

Thứ hai, về các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

  • Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
  • Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
  • Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Thứ ba, Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm của thương nhân đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử như sau:

– Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

– Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia;

– Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán;

– Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều này mà gây thiệt hại.

Như vậy, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có những sửa đổi tích cực nhằm khắc phục những bất cập tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, để đánh giá tính hiệu quả của những quy định này thì cần thời gian để áp dụng cụ thể các quy định này trên thực tế. Cụ thể, Nghị định 85/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Câu 3: Theo ông đã phù hợp với thực tế phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam hay chưa?

Trả lời:

Nhìn chung những quy định mới đã bổ sung trách nhiệm của người tham gia sàn Thương mại điện tử đối với khách hàng, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, như: quy định về việc yêu cầu người bán phải công bố thông tin hàng hoá trên website, quy định trách nhiệm của thương nhân nước ngoài trên sàn thương mại điện tử, quy định về những đối tượng phải chịu trách nhiệm khi có vi phạm pháp luật… Như vậy, những quy định mới về sản TMĐT đã giải toả những khúc mắc cho nhóm khách hàng tham gia trên TMĐT cũng như tạo cơ sở quản lý hoạt động TMĐT minh bạch hơn.

Câu 4: Việc phân 4 loại hình sàn TMĐT đã phù hợp?

Trả lời:

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

(i) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

(ii) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

(iii) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

(iv) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Theo quy định mới làm rõ quy định tại  hình thức thứ 4 từ “Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định” trở thành “Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản này và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó” và thay đổi hình thức thứ hai từ “Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;” trở thành Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hang đã làm rõ ràng tiêu chí phân chia của các hình thức hơn, cũng như quy định gói gọn các hình thức trong một quy định.

Tuy nhiên, đối với hình thức thứ tư có thể gây ra tranh cãi về việc thế nào là “gián tiếp trả phí cho việc thực hiện hoạt động đó”. Ngoài ra, không tránh được rủi ro rằng trong tương lai công nghệ phát triển, hình thức sàn thương mại điện tử thực tế có thể vượt ngoài những hình thức kể trên.