Quảng cáo phản cảm sẽ bị xử lý ra sao?

0
940

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối với hành vi quảng cáo phản cảm trên các trang mạng xã hội. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Trong thời gian vừa rồi, có một hiện tượng là có rất nhiều hành vi quảng cáo phản cảm bằng việc khoe thân nơi công cộng (vụ nhóm thanh niên cởi trần tại ga CL-HĐ), hay livestream ăn mặc hở hang nói tục chửi bậy để câu view, thu hút dư luận. Thì ông đánh gia sao về những hành vi này?

Trả lời:

Việc quảng cáo, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp vốn là một hoạt động bình thường nhưng rất cần thiết nhằm thúc đẩy việc nhận diện thương hiệu cũng như tăng hiệu quả bán hàng. Tuy nhiên gần đây, nhiều đơn vị lợi dụng hoạt động chính đáng này nhằm gây sự chú ý của cộng đồng thông qua những hình ảnh phản cảm, lố lăng như vụ việc nhóm thanh niên cởi trần tại ga CL-HĐ gần đây hay những livestream ăn mặc hở hang nói tục chửi bậy. 

Những hành vi này xét theo chuẩn mực văn hoá thì rất “phản cảm”, gây khó chịu cho người xung quanh. Nếu ở góc độ doanh nghiệp muốn gây sốc, tạo sự chú ý của cộng đồng, cư dân mạng hay báo đài thì họ đã “thành công”, tuy nhiên chính họ đã đẩy doanh nghiệp và “đóng khung” cho thương hiệu của mình với những hình ảnh xấu, có phần “rẻ rúng” và mất thiện cảm từ đại đa số người xem. 

Trong khi các doanh nghiệp khác phải đổ rất nhiều tiền bạc và sức lực, thời gian để xây dựng một thương hiệu đẹp mắt, uy tín trong lòng người tiêu dùng thì lại có những doanh nghiệp vì muốn đẩy nhanh việc nhận diện tên tuổi của mình trước công chúng lại chọn những cách tiêu cực, phản cảm như vậy. 

Câu 2: Thưa luật sư, vậy những hành vi ấy có vi phạm pháp luật của Việt Nam hay không và bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Các quy định pháp luật đối với với việc quảng cáo sản phẩm ở nước ta vốn rất mở, rất khuyến khích những ý tưởng tích cực và tốt đẹp trong quá trình quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, bất kể sự tự do nào cũng phải trong khuôn khổ, nhất là việc có những hành vi phản cảm, trái thuần phong mỹ tục được nhiều doanh nghiệp sử dụng, bất chấp những hậu quả tiêu cực sẽ gây ra. 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật quảng cáo 2012, quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đối với những trường hợp có hành vi quảng cáo phản cảm như khoe thân ở nơi công cộng nêu trên có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, theo đó phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại.

Câu 3: Ở góc độ của người tiêu dùng, liệu họ có xu hướng đặt mua những sản phẩm từ chiêu trò quảng cáo đấy hay không?

Trả lời:

Có thể sẽ có những khách hàng tìm đến những doanh nghiệp này sau cách tiếp thị kể trên vì sự tò mò, hiếu kỳ. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp rất khó để thoát ra khỏi những “hình ảnh phản cảm” trong quá khứ và như vậy thương hiệu của họ sẽ bị nhắc tới với những “danh xưng” không mấy tốt đẹp. Điều đó sẽ là rào cản ngăn họ tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng, sẵn sàng chi trả cho những thương hiệu có hình ảnh đẹp, thông điệp tích cực.

Xu hướng tiêu dùng hiện nay là chú trọng đến những nhãn hiệu giúp người dùng thể hiện được cái “gu” cũng như là một cách để thể hiện quan điểm, lối sống. Do đó, tôi tin rằng những người tiêu dùng thông thái sẽ luôn lựa chọn sản phẩm đến từ những thương hiệu, nhãn hàng uy tín và sẽ không muốn ủng hộ sản phẩm đến từ doanh nghiệp lợi dụng những “chiêu trò” phản cảm kể trên.

Câu 4: Ông có cho rằng những chính sách xử phạt của Việt Nam về vấn đề này còn quá nhẹ nên nhiều đối tượng, doanh nghiệp vẫn mặc kệ vẫn tiếp tục sử dụng chiêu trò truyền thông bẩn này không?

Trả lời: 

Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2021. So với Nghị định 158/2013/NĐ-CP trước đây, Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam cao hơn, cụ thể là mức phạt đối với hành vi này tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP là 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (trước đây là 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng).

Như vậy có thể thấy rằng, khi sử dụng các “chiêu trò” truyền thông bẩn, doanh nghiệp đã chấp nhận chịu phạt 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng để được “đánh bóng tên tuổi”, “quảng bá” sản phẩm, thương hiệu công ty khi mà ít nhiều “hình ảnh” của doanh nghiệp cũng được biết đến rộng rãi. 

Vì vậy, mức phạt như vậy đối với những hành vi “quảng cáo bẩn” là chưa tương xứng và thiếu tính răn đe.

Câu 5: Để giải quyết, ngăn chặn sự việc này, ông có đề xuất những giải pháp nào không?

Trả lời: 

Thực tế hiện nay, không ít các sản phẩm được các doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo không phù hợp với thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trên cả truyền hình, internet và các phương tiện quảng cáo ngoài trời gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức xã hội. Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên cân nhắc nâng mức hình phạt cao hơn nhằm ngăn chặn hành vi này và tạo tính răn đe.

Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cá nhân về việc thực hiện quảng cáo. Việc lựa chọn hình thức quảng bá thương hiệu, sản phẩm một các đúng đắn sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Với những cách thức “quảng cáo bẩn”, doanh nghiệp cũng như sản phẩm của doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của cộng đồng.