Vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Người mua và sử dụng bằng giả có bị xử lý hình sự?

0
591

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về Vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa 10 bị cáo trong vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô ra xét xử sơ thẩm. Nhiều người đặt câu hỏi: “Những cá nhân đã mua và sử dụng bằng giả do trường này cấp có phạm pháp”?

10 bị cáo trong vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô gồm Cựu hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa cùng hiệu phó Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà và 7 người khác bị xét xử về tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 BLHS 2015.

Các đối tượng này bị cáo buộc cấp hàng trăm văn bằng và chứng nhận giả, thu lợi trên 7 tỷ đồng. Theo cơ quan tố tụng, vẫn còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú.

Phân tích tội danh trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng.

Vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Người mua và sử dụng bằng giả có bị xử lý hình sự? ảnh 1

Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa hầu tòa

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng thực tế. Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Về hình phạt, người phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 359 thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Còn với những người mua và sử dụng bằng, chứng chỉ giả, Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định, việc học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy khó lường nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục… nên đáng bị lên án và xử lý nghiêm.

Để có thể xác định chính xác mức độ xử lý đối với cá nhân mua và sử dụng bằng giả, cần căn cứ vào hậu quả, mục đích, động cơ của hành vi. Nếu hành vi chưa đủ cấu thành tội phạm, thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Khoản 3 điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, người mua bằng giả còn phải buộc hủy bỏ văn bản có nội dung trái pháp luật; hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ được cấp lại không đúng quy định.

Còn theo Nghị định 34/2011 và Nghị định 27/2012, cán bộ bị tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì bị thôi việc. Công chức, viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức… cũng bị buộc thôi việc.

Trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn, thì bị đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người mua và sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù – Luật sư Thu nhận định.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/vu-dai-hoc-dong-do-cap-bang-gia-nguoi-mua-va-su-dung-bang-gia-co-bi-xu-ly-hinh-su-post490766.antd