Nghị định số 22-2015-NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

0
306

Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Nghị định này áp dụng đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Quản tài viên bị nghiêm cấm thực hiện những hành vi sau: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi; Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Trong quá trình hoạt động hành nghề, Quản tài viên phải có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; chịu trách nhiệm về haojt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản; ký báo cáo, văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật phá sản; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân; báo cáo Sở TƯ pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được nhận theo quy định của pháp luật; Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà doanh nghiệp biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Trong quá trình hoạt động hành nghề của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cần phải tuân thủ các nghĩa vụ sau: Quản lý Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp; Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp do Quản tài viên mà doanh nghiệp cử; Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xem xét, ký các văn bản do Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp mình thực hiện; Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp; Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Nghị định cũng có quy định cụ thể về thù lao được tính của Quản tài viên như sau: Thời gian Quản tài viên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ; Công sức của Quản tài viên trong việc thực hiện nhiệm vụ; Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên. Thù lao có thể được tính theo giờ làm việc của Quản tài viên hoặc theo mức thù lao trọn gói hoặc dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý.