Những trò chơi vi phạm pháp luật trong mùa lễ hội

0
422

 

Thời điểm Tết đến xuân về là lúc mọi người cùng nhau sum họp, nghỉ ngơi sau một năm dài lao động vất vả. Đồng thời cũng là dịp tổ chức nhiều lễ hội du xuân cùng các trò chơi nhất trong năm. Những trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, pháo đất,…được nước ta đẩy mạnh nhằm lưu giữ và quảng bá nét đẹp truyền thống, thu hút không chỉ người dân trong nước mà ngay cả những du khách nước ngoài có dịp tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm mà mọi người thường dễ chủ quan, vì ham vui mà tham gia những trò chơi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cũng như tinh thần.

Vào mùa lễ hội, du xuân đầu năm, các trò chơi như cua cá, xóc đĩa, phi tiêu ăn tiền, phi tiêu trúng thưởng, mở bát diễn ra công khai ngay tại các lễ hội. Cùng với đó, nhiều gia đình hay tụ tập chơi bài ăn tiền. Mọi người đều nghĩ rằng đó là việc vui vẻ trong gia đình với nhau. Tuy nhiên đối chiếu với các quy định pháp luật, những việc làm nêu trên đều là hành vi đánh bạc trái phép.

Theo đó, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Bên cạnh đó, việc rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép hay dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc cũng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng về hành vi tổ chức đánh bạc (Khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, Bộ luật hình sự cũng quy định về tội đánh bạc tại Điều 321 với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm tuỳ vào mức độ vi phạm; đối với người tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 322 có thể bị phạt tiền đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 10 năm tuỳ vào mức độ vi phạm. Mức độ vi phạm càng cao khi số tiền đánh bạc càng lớn hoặc đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này trước đó cũng như có tính chất chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, vào dịp Tết cũng là lúc mọi người thường hay mua và đốt pháo bởi âm thanh rộn ràng cùng ánh sáng đẹp mắt. Đây cũng là thói quen lâu đời của rất nhiều gia đình và địa phương. Tuy nhiên đa phần mọi người chưa phân biệt được các loại pháo khác nhau dẫn tới việc đốt pháo trái phép.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian cùng vớ đó gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không. Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Cũng tại Nghị định, Điều 17 quy định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, hiểu một cách chính xác, người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa là loại pháo không có thuốc pháo nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ và phải mua tại các doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều người hiểu sai vẫn vô tư sử dụng pháo nổ và mua ở những nơi không được cấp phép, đa số những sản phẩm này đều nhập lậu từ nước ngoài và vi phạm vào điều cấm tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, quy định tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP việc sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Không chỉ vậy, việc sử dụng pháo hoa có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Theo Điều 318 Bộ luật hình sự, trường hợp này có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc có thể phạt tù đến 2 năm.

Ngoài ra, do tình hình Covid – 19 vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên một số hoạt động vui chơi vốn không bị pháp luật cấm nhưng trong bối cảnh dịch bệnh này có thể bị xem xét xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Một trong những hoạt động được ưa chuộng mỗi dịp lễ Tết là hát karaoke và thường có thói quen đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ này để giải trí. Theo đó, quán karaoke là một trong những loại hình kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong trạng thái tình hình mới, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP, việc mở quán karaoke được quy định như sau: tỉnh có dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh) được phép hoạt động hoặc có thể bị hạn chế theo quy định của UBND tỉnh; tỉnh có dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng) và cấp độ 3 (vùng cam) không được hoạt động hoặc bị hạn chế theo quy định của UBND tỉnh. Riêng tỉnh có dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ) thì cấm quán karaoke hoạt động. Như vậy, có thể thấy, quán karaoke có được hoạt động hay không ngoài căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương thì còn căn cứ vào quy định của UBND tỉnh, thành phố. Như vậy, nếu tại địa phương đó chưa cho phép quán karaoke hoạt động mà người dân vẫn cố tình đến hát tại quán karaoke thì có thể bị xử phạt.

Theo đó, người đi hát có sẽ bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng vì không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân của người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế (Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ – CP, sửa đổi bởi điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, việc đi hát khi đang bị cấm mở mà làm lây lan dịch bệnh đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù đến 5 năm; thậm chí nếu làm chết người thì có thể bị phạt tù đến 10 năm; nếu chết 2 người trở lên thì bị phạt tù đến 12 năm.

Không chỉ vậy, nếu như người dân không đến hát tại các cở sở kinh doanh karaoke trong thời điểm bị cấm mà lựa chọn hát tại nhà để tránh việc vi phạm các quy tắc chống dịch thì vẫn có thể bị để xảy ra vi phạm pháp luật nếu gây tiếng động lớn, ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 144 năm 2021 thì người vi phạm sẽ phải chịu phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trên đây là một số lưu ý đối với những trò chơi/hoạt động vui chơi tưởng chừng như rất phổ biến ngày Tết nhưng tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm pháp luật. Lời khuyên cho mọi người để có một mùa lễ hội ấm áp, ngập tràn niềm vui là nên trang bị cho mình những hiểu biết pháp luật nhất định, tránh việc chủ quan, lơ là, ham vui cũng như chú ý tuân thủ theo những hướng dẫn tham gia Tết an toàn, đúng pháp luật từ các bản tin truyền hình, báo chí.