Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức, chúng tôi cùng một ngân hàng quốc tế mở hạn mức tín dụng cho công ty con của chúng tôi tại Đức. Ngân hàng này phát hành bảo lãnh cho ngân hàng con của họ tại Đức để ngân hàng tại Đức cấp hạn mức tín dụng cho công ty con của chúng tôi tại Đức.
Do công ty con của chúng tôi tại Đức mới thành lập nên để một ngân hàng quốc tế cấp hạn mức thì cần bảo lãnh của công ty mẹ là công ty chúng tôi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi check mặt legal thì ngân hàng quốc tế có trụ sở tại Việt Nam thấy có thông tư 37 đang quy định là nếu công ty chúng tôi tại Việt Nam muốn bảo lãnh cho công ty con tại Đức thì cần có sự đồng ý của thủ tướng.
Chúng tôi muôn nhờ công ty luật check giúp về mặt legal thì có cần thiết phải như thế không? Có giải pháp nào khác không?
Luật sư trả lời: Chúng tôi hiểu rằng, trong trường hợp này, công ty con tại Đức tiến hành xin cấp hạn mức tín dụng ở ngân hàng quốc tế của Đức.
Để thực hiện được điều đó, ngân hàng quốc tế của Đức yêu cầu ngân hàng quốc tế tại Việt Nam tiến hành bảo lãnh và ngân hàng quốc tế tại Việt Nam yêu cầu công ty tại Việt Nam bảo lãnh cho ngân hàng quốc tế của Đức để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với ngân hàng quốc tế của Đức.
Do vậy, trong trường hợp này có 2 quan hệ bảo lãnh độc lập với nhau:
(i) Ngân hàng quốc tế tại Việt Nam bảo lãnh cho công ty con tại Đức tiến hành xin cấp hạn mức tín dụng tại Ngân hàng quốc tế tại Đức
(ii) Công ty mẹ tại Việt Nam bảo lãnh cho công ty con tại Đức để ngân hàng quốc tế Việt Nam thực hiện cam kết bảo lãnh theo mục (i) nêu trên.
Trong cả hai quan hệ bảo lãnh nêu trên, các Bên bảo lãnh là ngân hàng quốc tế Việt Nam và công ty mẹ tại Việt Nam có nghĩa vụ phải đăng ký khoản thu hồi nợi bảo lãnh theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 37/2013/NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú (Sau đây gọi tắt là Thông tư 37/2013/NHNN).
Riêng đối với quan hệ bảo lãnh mô tả tại mục (ii) trên đây, trong hồ sơ đăng ký thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú, công ty mẹ tại Việt Nam bắt buộc phải có bản sao xác nhận công văn chấp thuận của Thủ tướng chính phủ đối với việc bảo lãnh cho công ty con tại Đức (quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 11 của Thông tư 37/2013/NHNN).
Trong trường hợp các Bên vẫn tiếp tục thỏa thuận theo hướng như nêu trên, các Bên bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đăng ký thu hồi nợ bảo lãnh của Thông tư 37/2013/NHNN.