Quyền lợi của người lao động khi bị ngừng việc

0
386

Câu hỏi: Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp tôi có yêu cầu tôi chuyển qua bộ phận khác làm việc không đúng hợp đồng đã ký kết. Sau 60 ngày làm việc, tôi không đồng ý làm tiếp công việc tạm thời và công ty cho tôi ngừng việc. Xin hỏi công ty làm vậy có đúng và quyền lợi tôi được hưởng là gì?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 8 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động về việc tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác như sau:

Điều 8. Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác

3. Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại Khoản 3 Điều này mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động.”

Như vậy, theo quy định thì đủ 60 ngày làm việc cộng dồn 1 năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng thì phải có sự đồng ý người lao động bằng văn bản. Nhưng trong trường hợp bạn không đồng ý làm công việc khác nữa thì người lao động cho ngừng việc khi đó họ phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 như sau:

“ Điều 98. Tiền lương ngừng việc

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động như sau:

Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương

1. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao độnglà tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

Vậy bạn sẽ được quyền nhận đủ lương theo mức lương ghi trong hợp đồng lao động, được tính theo hình thức trả lương theo thời gian.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cùng các luật sư và chuyên gia pháp lý bàn về nguyên nhân và giải pháp để chống lại các tranh chấp về lao động – tiền lương.