Thủ tục lập vi bằng

0
356

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi chuẩn bị cho thuê một căn nhà. Tôi muốn lập vi bằng để xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê. Luật sư cho hỏi, thủ tục để thực hiện việc lập vi bằng như nào? Cảm ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 38 và 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thừa phát lại:

Điều 38. Thỏa thuận về việc lập vi bằng

Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây: 

a) Nội dung vi bằng cần lập;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Chi phí lập vi bằng;

d) Các thỏa thuận khác (nếu có).

Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Điều 39. Thủ tục lập vi bằng

  1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

  1. Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
  2. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
  3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”

Theo đó, việc lập vi bằng sẽ thực hiện theo các bước sau:

  • Bạn cần đến văn phòng thừa phát lại để yêu cầu việc lập vi bằng. Theo đó, Thừa phát lại (hoặc Thư ký nghiệp vụ) có thể tiếp nhận nhu cầu của khách hàng nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện. Người muốn lập vi bằng sẽ điền vào Phiếu yêu cầu lập vi bằng. Văn phòng thừa phát lại sẽ kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu lập vi bằng.
  • Tiếp đến, bạn và trưởng phòng Thừa phát lại thỏa thuận bằng văn bản về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 38.
  • Sau đó, sẽ tiến hành việc lập vi bằng theo quy định tại Điều 39.
  • Cuối cùng là thanh lý thỏa thuận vi bằng, theo đó, trước khi giao vi bằng, thừa phát lại (hoặc thư ký nghiệp vụ) đề nghị khách hàng ký vào sổ bàn giao vi bằng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng. Thừa phát lại giao lại cho khách hàng một bản chính của vi bằng.

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 24/02/2020 và thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.