Thủ tục nhận di sản thừa kế của Việt Kiều

0
468

Bảy chị em tôi hiện đang sinh sống tại Đức, đều đã mang Hộ chiếu Đức. Nay Ba mẹ tôi di chúc để lại thừa kế cho 7 chị em tôi 1 căn nhà ở Hà Nội.

Vậy, chúng tôi cần phải làm gì để được nhận thừa kế?

Trả lời:

Bạn không nói rõ là trong số 7 chị em bạn thì tất cả 7 người đều vẫn đang có hộ chiếu Việt Nam hay một số người có hộ chiếu Việt Nam cùng hộ chiếu Đức và một số người thì chỉ có hộ chiếu Đức. Do vậy, Luật sư sẽ tư vấn cho bạn theo cả hai trường hợp là những người có hộ chiếu Việt Nam và những người không còn hộ chiếu Việt Nam.

Trước tiên Bạn cần hiểu rằng là Việt Kiều, đến Luật Nhà ở năm 2014 thì các chị em bạn đều được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, do vậy các chị em bạn đều được hưởng thừa kế là căn nhà mà Bố mẹ bạn di chúc để lại cho 7 chị em. Chỉ có điều, điều kiện giữa người còn hộ chiếu Việt Nam và người không còn hộ chiếu Việt Nam là khác nhau.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 hướng dẫn:

2.Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây:

a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;

b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vậy, 7 chị em bạn căn cứ vào quy định nêu trên để tự xác định và chuẩn bị giấy tờ cần thiết khi về Việt Nam làm thủ tục khai nhận thừa kế.

Di chúc chỉ có hiệu lực sau khi cả bố và mẹ của chị em bạn qua đời.

Với Giấy chứng tử của Bố mẹ, thì 7 chị em bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau đây để thực hiện:

  • Cách 1: Cả 7 chị em bạn đều về Việt Nam, đến phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự về khai nhận thừa kế. Nếu không có bất kỳ tranh chấp nào trong thời gian niêm yết công khai thì phòng công chứng sẽ lập văn bản Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Và nếu 7 chị em bạn cùng thống nhất là cả 7 người đều nhận thừa kế thì 7 chị em bạn sẽ cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở với tư cách là các đồng sở hữu. Văn bản Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, cùng với bản gốc Giấy chứng nhận mang tên bố mẹ của các bạn, hộ chiếu của chị em bạn sẽ được chuyển đến Phòng Tài nguyên môi trường để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận mới cho các chị em bạn.
  • Cách 2: Bảy chị em bạn thỏa thuận với nhau xem những ai từ bỏ quyền nhận thừa kế và nhường lại quyền đó cho một người hoặc một vài người. Văn bản khước tờ quyền thừa kế có thể được lập tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và gửi về Việt Nam cho một hoặc một vài người sẽ tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế tại Việt Nam. Thực tế hiện nay thì đa phần là các anh chị em sẽ chỉ định 01 người đứng ra để nhận di sản thừa kế. Và Giấy chứng nhận mới chỉ đứng tên 01 người đó mà thôi. Trình tự thủ tục để khai nhận thừa kế và sang tên Giấy chứng nhận mới cũng tương tự như ở trên.