Tiền chênh khi mua nhà ở tại Việt Nam

0
340

Câu hỏi. Tại nhiều dự án nhà ở hiện tại, mặc dù quảng cáo là giá rẻ nhưng để sở hữu, người mua phải đội chi phí tiền chênh lên đến hàng trăm triệu. Theo ông, điều này xuất phát từ đâu? Cần phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

Trả lời:
Tôi được biết có những công trình, ví dụ như những công trình dành cho người có thu nhập thấp, sử dụng gói vay 30.000 tỷ đồng, bị khống chế giá bán tối đa cho một nhà ở hoặc một căn hộ là 1,050,000,000 đồng, nhưng thực tế người mua phải trả số tiền hơn nhiều, có khi lên đến hàng trăm triệu hoặc nhiều trăm triệu. Ví dụ như tiền làm thêm công trình phụ ở phía sau, tiền làm cổng … đều không được tính vào giá bán đã bị khống chế.
Và đây luôn là phần mà người mua phải nộp sau cho chủ đầu tư, sau khi đã xong phần hợp đồng mua bán và hợp đồng thế chấp để ngân hàng giải ngân trực tiếp phần vốn vay cho chủ đầu tư theo tiến độ. Và luôn là thỏa thuận tự nguyện của chủ đầu tư và bên mua. Chủ đầu tư cũng không ép, không buộc. Nhưng nếu cả khu cùng làm các hạng mục đó thì nhà mình không thể không làm.
Nhà nọ đua nhà kia, thế là cùng làm và cùng trả tiền cho chủ đầu tư. Đương nhiên, xét dưới bình diện phải chi trả của người mua, thì tất tần tật tiền trả cho chủ đầu tư hoặc tiền dành cho việc xây dựng hoàn thiện nhà, căn hộ đều phải tính vào tổng giá trị mua bán của căn nhà/căn hộ. Đấy là tình trạng bạn thấy giá thực của một căn nhà/căn hộ thực tế cao hơn rất nhiều so với giá mà chủ đầu tư quảng cáo khi tung ra đợt bán. Những chi phí phát sinh mà tôi nêu ra chỉ được đẻ ra sau khi người mua đã xong xuôi thủ tục mua bán. Thực tế là như vậy.
Tôi thiết nghĩ điều này xuất phát từ thực tế thôi. Thực tế thì công trình đó cần phải chi đến tiền như vậy mới đảm bảo hoàn thiện. Nhưng để thu hút góp vốn, hay để đáp ứng đủ điều kiện để sử dụng gói vay khi giá trị căn hộ/nhà bị giới hạn trần tối đa thì chủ đầu tư vẫn tung ra mức giá thấp hơn giá trị thực tế.
Với hiện trạng nêu trên, tôi cho rằng, về phía người mua, cần tìm hiểu thật kỹ ở khâu chuẩn bị mua bán, nên hỏi rõ về mặt tổng thể, làm rõ với chủ đầu tư xem ngoài số tiền trong hợp đồng ra, còn phải trả gì nữa không? Và tự mình đánh giá xem với những hạng mục như vậy, liệu có khả năng phát sinh thêm chi phí hay không? Để dự phòng và quyết định có tham gia hay không. Tránh tình trạng đâm lao, lại phải theo lao, đôi khi là cố quá, thành quá sức, tiến thoái lưỡng nan.
Còn về phía chủ đầu tư, nên trung thực và thẳng thắn với người mua ngay từ đầu để họ có sự chuẩn bị, không nên từng bước dẫn dắt họ vào thế sự đã rồi, phải cố mà theo tiếp.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan cấp phép về xây dựng, cần làm chặt chẽ từ khâu cấp phép, đến khâu giám sát thực hiện và chứng nhận hoàn công, để đảm bảo công trình được xây dựng đúng theo cấp phép, không có chuyện thêm nếm khiến người mua rơi vào thế khó khăn.