Nhận lời mời của ban biên tập kênh HanoiTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về Tính khả thi của việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế.
Câu hỏi: Tính khả thi của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu Bún bò Huế của UBND Thừa Thiên-Huế như thế nào? Nếu khả thi thì hiệu quả của việc này là gì?
Trả lời: Tính khả thi của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu Bún Bò Huế của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn phụ thuộc vào thời gian mới có câu trả lời chính xác.
Dưới khía cạnh pháp lý và kinh tế, tôi cho rằng việc UBND tỉnh đăng ký và giao cho Hiệp hội du lịch tỉnh quản lý nhãn hiệu chứng nhận này là một hành động cần thiết.
Còn việc phát huy hiệu qủa đến đâu thì cần rất nhiều sự nỗ lực của các cơ quan này.
Ví dụ như là để vận động những hộ kinh doanh cùng sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát được chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tin tưởng vào việc ăn món bún Huế thì là một điều tuyệt vời.
Và từ niềm tin của khách hàng, những thành viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của UBND tỉnh mà có doanh thu tốt, lợi nhuận tốt thì điều đó là một thành công.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, hiện tại, nhiều sản phẩm và đặc sản của Việt Nam, sau khi được xác lập quyền sở hữu trí tuệ rồi, tuy nhiên, việc triển khai và thương mại hóa là một vấn đề rất yếu kém, người dân và người sử dụng những nhãn hiệu này hầu như chưa có được một hiệu quả đáng kể nào.
Câu hỏi: “Bún bò Huế” ở đây được hiểu là nhãn hiệu chứng nhận hay chỉ dẫn địa lý? Sự khác nhau giữa 2 phạm trù này?
Trả lời: Bún bò Huế ở đây được hiểu là nhãn hiệu chứng nhận, không được coi là chỉ dẫn địa lý.
Có sự khác nhau giữa nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Còn chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Câu hỏi: Những hộ đang kinh doanh bún bò huế thì bây giờ sẽ phải làm như thế nào? Họ có vi phạm luật không?
Trả lời: Những hộ kinh doanh bún bò Huế nếu qua tìm hiểu quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thấy có sự hỗ trợ tốt từ phái UBND, có tiềm năng tăng doanh thu và lợi nhuận thì có thể liên hệ với chủ sở hữu để có thể được dùng logo và chữ bún bò Huế vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
Còn nếu không thì họ vẫn có thể sử dụng chữ Bún Bò Huế bình thường, miễn là không sử dụng logo của UBND tỉnh.
Mời các bạn xem thêm video tại đây: