Từ sự cố VCCorp liên tiếp bị tấn công- Lời cảnh báo đối với hoạt động phá hoại trên mạng.

0
438

Trong bản tin Theo dòng thời sự ngày 22 tháng 10 năm 2014, luật sư Nguyễn Thanh Hà, từ công ty luật SBLAW đã trả lời phóng viên Mai Hạnh về vấn đề tội phạm an ninh mạng hiện nay.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

PV: Ông có thể cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao để phá hoại tài sản, gây mất an ninh thông tin sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tội phạm Công nghệ cao trong thời gian gần đây xảy ra rất nhiều, không chỉ gây thiệt hại cho các Doanh nghiệp mà còn đe dọa an ninh, an toàn mạng. Tùy từng hành vi cụ thể của các đội tượng phạm tội mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và nặng nhất là xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định các hành vi phạm tội về Công nghệ cao tại Điều 224: Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số , Điều 225: Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số và Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, Điều 226a: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.  Điều 226b: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

PV: Mức cao nhất khi xử lý các loại tội phạm công nghệ cao này sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật nào, thưa ông?

Trả lời: Hiện nay tại quy định của Bộ Luật hình sự các hành vi phạm tội về Công nghệ cao được quy định tại 05 điều luật đó là: Điều 224, Điều 225, Điều 226, Điều 226a và Điều 226b. Theo quy định tại các điều nêu trên thì người phạm tội nếu nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự mức hình phạt cao nhất là áp dụng hình phạt tù Chung thân nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 226 b Bộ luật hình sự.

PV: Vì tội phạm công nghệ cao thường khó bị phát hiện, theo ông cần làm gì để xiết chặt quản lý, hạn chế gia tăng các loại hình tội phạm này?

Trả lời: Thực tế đấu tranh tội phạm công nghệ cao cho thấy còn nhiều khó khăn về mặt pháp lý. Hiện chưa có quy chế phối hợp cụ thể với nhà cung cấp mạng Internet, trong khi tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và có tính xuyên quốc gia đòi hỏi phải không ngừng cập nhật, hoàn thiện các phương pháp, chiến thuật đấu tranh.

Xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật về tội phạm công nghệ cao.

Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet nhằm sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu và nguồn gốc tấn công mạng.

Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, một số Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng dự án Luật An toàn thông tin số.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao chuyên nghiệp, tinh nhuệ không chỉ ở cấp Bộ mà còn có thể cả cấp Cơ sở đó là cấp quận, huyện.

PV: Nếu tội phạm công nghệ cao trong trường hợp này là người trong nội bộ công ty VCCorp (có thể tự xoá hết dấu vết phạm tội) thì theo ông vụ việc này sẽ còn tiếp diễn nữa hay không?

Trả lời: Theo tôi những hành vi nếu đã có dấu hiệu tội phạm công nghệ cao theo các Điều luật quy định tại Bộ luật hình sự thì các Cơ quan có thẩm quyền cần điều tra làm rõ để xử lý đúng người đúng tội. Như vậy mới ngăn chặn những vụ việc có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Nếu vụ việc như trên không bị xử lý theo quy định pháp luật thì tôi cho rằng sẽ được tiếp diễn trong thời gian tới.

PV: Là một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, theo ông các công ty khi tham gia các loại hình trực tuyến, từ trang tin điện tử, kinh doanh trực tuyến… nên lxây dựng quy chuẩn, tham khảo các văn bản pháp luật nào để đảm bảo được vấn đề an ninh, an toàn cho công ty?

Trả lời: Để đảm bảo được vấn đề an ninh, an toàn cho các Công ty khi tham gia các loại hình trực tuyến, từ trang tin điện tử, kinh doanh trực tuyến…thì Các Công ty này cần phối hợp với các Công ty về an ninh mạng như BKV để đảm bảo an toàn cho hệ thống các dữ liệu và diệt các viruts gây hại do các đối tượng phạm tội này phát tán. Mặt khác trong việc kinh doanh thì Công ty cần tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan như sau:

Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005

Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010

Và đặc biệt là Nghị định 52013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.

PV: Xin cảm ơn luật sư.

Các bạn có thể theo dõi bài phỏng vấn bằng file âm thanh tại đây: