Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về vấn đề đầu tư hạ tầng hàng không. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1:
Tôi là Văn Chiến, là người Anh gốc Việt. Tôi muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không tại Việt Nam. Và rất muốn tìm hiểu 1 số vấn đề liên quan đến pháp lý xung quanh ý định này. Tôi muốn hỏi: Đầu tư vào hạ tầng hàng không như nhà ga, cảng hàng khong tại Việt Nam hiện đã được Chính phủ và Bộ GTVT Việt Nam đồng ý cho xã hội hóa? Có văn bản cụ thể gì cho điều này chưa?
Luật sư trả lời:
Có thể nói, không có ngành kinh tế nào đòi hỏi phải hội nhập nhanh và sâu rộng với thế giới bằng ngành hàng không. Việc nhượng quyền khai thác, bán cổ phần chi phối các công trình hạ tầng hàng không cho tư nhân là xu hướng phổ biến trên thế giới. Xu hướng này đã diễn ra từ cách đây khoảng hơn 20 năm. Đến thời điểm này, nhiều nước có ngành hàng không phát triển đã không còn bỏ toàn bộ tiền ngân sách để đầu tư cho các cảng hàng không, sân bay.
Tại Việt Nam, để đáp ứng sự phát triển, nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các cảng hàng không đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” tại Quyết định số 4908/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 để huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển và Quy hoạch cảng hàng không, sân bay được duyệt. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tham gia vào thị trường hàng không thông qua các hình thức phổ biến như sau: Hợp đồng Dịch vụ, Hợp đồng quản lý, hợp đồng nhượng quyền khai thác, hợp đồng BOT, bán sân bay cho đối tác chiến lược, cổ phần háo (IPO).
Hiện nay, vấn đề quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay được quy định tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP.
Lưu ý: Nguyên tắc xã hội hóa đầu tư: tất cả vai trò quản lý Nhà nước không chuyển giao cho tư nhân. Theo đó, nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh – quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà không cần nắm giữ. Đồng thời, trong trường hợp khi cần thiết Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh – quốc phòng và theo đúng quy định tại Luật Trưng mua trưng dụng tài sản.
Câu 2:
Luật pháp của Việt Nam có đồng ý cho những tổ chức có sử dụng ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư khai thác toàn bộ cảng hàng không Việt Nam?
Luật sư trả lời:
Hạ tầng hàng không bao giờ cũng gắn với an ninh quốc phòng nên việc tính toán kêu gọi dự án nào sẽ chuyển nhượng quyền khai thác phải được thống nhất với Bộ Quốc phòng và trình Chính phủ.
Sân bay là một tài sản quốc gia quan trọng nên việc để cho một tổ chức có sử dụng ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài khai thác toàn bộ cần phải được xem xét rất cẩn trọng.
Đơn cử: Điều 12 Nghị định số 102/2015/NĐ-CP cũng có quy định về việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép góp vốn đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay với tỷ lệ vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án hoặc tổng vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư”.
Câu 3:
Ttổ chức của chúng tôi tại Newzeland, rất quan tâm đến lĩnh vực hàng không tại Việt Nam. Tôi hiểu là hàng không có thể được coi như là 1 tài sản của quốc gia. Điều này liệu có đồng nghĩa, dù chúng tôi có tham gia đầu tư thì vẫn phải chịu sự can thiệp rất lớn của Nhà nước Việt Nam?
Luật sư trả lời:
Nhà nước Việt Nam rất hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng không và có chủ trương “mở cửa bầu trời”.
Chủ trương của Bộ GTVT về việc nhượng quyền khai thác tại cảng hàng không sẽ tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho việc huy động vốn tư nhân, vốn nước ngoài để mở rộng, hiện đại hóa các cảng hàng không, sân bay hiện có, đồng thời xây thêm nhiều sân bay mới. Bộ GTVT luôn chào đón các nhà đầu tư muốn được nhượng quyền khai thác hoặc xây dựng mới cảng hàng không, nhưng phải phù hợp với điều kiện khai thác thực tế hiện nay khi thực hiện nhượng quyền.
Hàng không là tài sản của quốc gia. Tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ phải chịu quá nhiều sự can thiệp của Nhà nước mà Nhà nước chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết
Vì cũng cần phải kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh trong lĩnh vực hàng không, đảm bảo phù hợp với cơ sở chính trị, yếu tố chính trị quân sự. Do đó, Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức đảm bảo hoạt động vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch, tham gia đảm bảo an ninh – quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước, …
Câu 4:
Chúng tôi liệu có gặp những điều kiện, hay quy định/hay 1 tiêu chuẩn gì cho những dịch vụ mà chúng tôi dự định cung cấp sau khi đầu tư vào đây?
Luật sư trả lời:
Khi bạn muốn đầu tư vào lĩnh vực hàng không thì bạn phải đáp ứng những điều kiện nhất định như: phải được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, Năng lực tài chính (vốn), giá cả, chất lượng dịch vụ, phải có năng lực trong vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện, …
Ngoài ra, vì bạn là nhà đầu tư nước ngoài nên bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau (Nghị định 102/2015):
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép góp vốn đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay với tỷ lệ vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án hoặc tổng vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư.
- Doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải là pháp nhân Việt Nam.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không:
+ Tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ;
+ Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
- Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Câu 5:
Chúng tôi sẽ phải làm việc với những bên nào? Chính phủ Việt Nam? Bộ GTVT hay cả Bộ Quốc Phòng?
Luật sư trả lời:
Khi đầu tư vào lĩnh vực hàng không tại Việt Nam, tùy từng dịch vụ mà bạn đầu tư vào mà bạn sẽ làm việc với cơ quan khác nhau.
Đơn cử, khi muốn thành lập hãng hàng không tại Việt Nam, bạn sẽ phải thành lập hãng hàng không liên doanh với Việt Nam, bạn có thể sẽ phải làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải.
Trong trường hợp, bạn nhận hoặc chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay thì phải được sự thống nhất với Bộ Quốc phòng và trình Chính phủ vì hạ tầng hàng không bao giờ cũng gắn với an ninh quốc phòng.
Câu 6:
Hiện Nhà nước Việt Nam có mới ban hành thêm những văn bản pháp luật nào trong lĩnh vực hàng không mà có sự hỗ trợ, khuyến khích cho những tổ chức/doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?
Luật sư trả lời:
Theo Phụ lục I – Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư), trong đó có quy định đầu tư phát triển cảng hàng không, sân bay là một trong những ngành, nghề được đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Do đó, khi đầu tư vào lĩnh vực này, bạn có thể được hưởng các ưu đãi sau (theo Luật Đầu tư năm 2014):
– Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
– Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.