Việc xử phạt taxi Uber là chưa thỏa đáng ?

0
288

Taxi Uber là loại dịch vụ sử dụng ứng dụng Uber trên điện thoại cho phép người dân kết nối trực tiếp với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ, song nhưng ngày qua một số chủ xe đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng “việc xử phạt là chưa thỏa đáng” .


– Ông có thể cho biết những quy định pháp lý hiện hành về hoạt động của taxi Uber?
– Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Uber cung cấp một ứng dụng (application) trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi xe ô tô và những người có phương tiện giao thông. Bản chất Uber không cung cấp dịch vụ vận tải mà họ chỉ tạo ra nền tảng để người có xe và người có nhu cầu sử dụng dịch vụ gặp nhau. Đây là một hình thức kinh doanh mới, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có bất cứ một quy định nào về vấn đề này. Như vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam còn đang bị bỏ trống.– Vậy hoạt động của taxi Uber có bị coi là vi phạm pháp luật?

– Không nên kết luận nền ứng dụng Uber là taxi Uber. Bởi nếu quy Uber là dịch vụ taxi thì rõ ràng là đã vi phạm, vì theo quy định tại điều 67 Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh dịch vụ taxi là ngành kinh doanh có điều kiện, tổ chức và cá nhân kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như số lượng, chất lượng xe, người điều hành doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, phải có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là dịch vụ trung gian giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng mà hiện tại chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ này. Do đó, việc kết luận có hành vi vi phạm pháp luật là thiếu cơ sở.Thời gian qua, không ít nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam muốn xin cấp phép kinh doanh, nhưng những ngành này lại chưa được quy định trong bất cứ văn bản nào. Điều này đã cản trở các nhà đầu tư tiếp cận thị trường và gây khó khăn cho cơ quan quản lý vì không có căn cứ để quyết định có cấp phép hay không.

– Loại hình này được người dân ưa chuộng, vậy cơ quan chức năng cần làm gì để kiểm soát tốt taxi Uber ?

– Taxi Uber phát triển nhanh do có những lợi thế nhất định như tiện lợi, tiết kiệm chi phí và văn minh. Vì vậy, chúng ta không nên hạn chế hình thức kinh doanh này. Các cơ quan chức năng nên nhìn nhận đây là một hình thức kinh doanh mới, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội và Nhà nước có thể thu thuế từ hoạt động kinh doanh hợp pháp. Thay vì tìm cách xử phạt, các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài để ban hành quy định quản lý và thúc đẩy hình thức kinh doanh mới này nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, của nhà cung cấp dịch vụ và Nhà nước cũng thu được thuế từ hình thức kinh doanh mới.

– Bên cạnh những thuận lợi, khách hàng có thể gặp phải rủi ro gì khi sử dụng taxi Uber?

–  Khi sử dụng dịch vụ này, hành khách sẽ không có bảo hiểm như dịch vụ taxi truyền thống. Khách hàng cũng có thể gặp lái xe không chuyên nghiệp, mới tập lái. Ngoài ra khi bị thất lạc hành lý, việc khiếu nại đối với lái xe hoặc đơn vị trung gian cũng khó khăn.

– Bị coi là “trái luật”, vậy theo ông, cơ sở pháp lý để cấm và xử phạt các chủ xe là gì? Liệu đây có phải là tình trạng “không quản được thì cấm”?

–  Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính một số chủ xe khi liên kết với nền tảng Uber để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng. Căn cứ mà các cơ quan chức năng đưa ra là các chủ xe đã vi phạm quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh.

Theo quan điểm của tôi, việc các cơ quan chức năng xử phạt như trên là chưa thỏa đáng vì hiện tại, hành lang pháp lý cho dịch vụ này vẫn chưa có, không có quy định cụ thể nào cho phép hay không cho phép dịch vụ này hoạt động. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ xử phạt được người cung cấp dịch vụ vận tải là người Việt Nam, còn người trung gian cung cấp dịch vụ là Uber thì không phải chịu chế tài xử phạt.

– Điều kiện nào để taxi Uber hoạt động hợp pháp, thưa ông?

– Hình thức này sẽ hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện: Chủ sở hữu các ứng dụng ký thỏa thuận hợp tác với các hãng taxi, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ, lợi nhuận của các bên khi phát sinh lợi nhuận. Nếu họ không có hiện diện thương mại tại Việt Nam thì các hãng taxi có thể trích lại phần thuế đó nộp vào ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo hình thức kinh doanh lâu dài và hợp pháp tại Việt Nam, họ có thể thành lập doanh nghiệp với ngành nghề là dịch vụ hỗ trợ taxi, không trực tiếp triển khai dịch vụ taxi tại Việt Nam và hoạt động như doanh nghiệp bình thường.

Hai bên cùng ký cam kết thì xử phạt là sai luật

Thời gian qua việc sử dụng dịch vụ taxi Uber đều dựa trên thoả thuận giữa khách hàng và lái xe bằng cách khách cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên khi có sự cố xảy ra, theo tôi, khi khách hàng lên xe, chủ xe cần yêu cầu ký một bản cam kết (có giá trị như hợp đồng cung cấp dịch vụ) trong đó, có quy định về việc khách hoàn toàn tự nguyện khi sử dụng dịch vụ này… Cách này cũng tương tự như việc phụ huynh học sinh đồng ý ký vào đơn đề nghị giáo viên dạy thêm cho con em mình vậy. Sự tồn tại một thỏa ước dân sự bình thường như vậy thì không ai có quyền xử phạt được!Một luật sư giấu tên
Khách hàng được lợi

Đi lại bằng Uber áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội nói chung. Hơn nữa, nó còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, khắc phục tình trạng nhiều taxi phóng nhanh vượt ẩu để tranh khách (do áp dụng hình thức gọi taxi theo tổng đài, khi thông báo có khách, ngay lập tức có nhiều taxi đến đón 1 khách, gây lãng phí lớn và mất an toàn giao thông). Với hình thức này, khách hàng được lợi không nhỏ vì họ luôn chủ động trong việc lựa chọn xe, biết được lộ trình rõ ràng, số km phải di chuyển, tránh những trường hợp chạy lòng vòng. Do vậy, trước khi tiến hành xử phạt hay cấm taxi Uber hoạt động, các cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo, cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân, Nhà nước và bên cung cấp dịch vụ.Trịnh Thủy (Cán bộ Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Khó hiểu vì sao cấm taxi Uber

Tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi Uber và thấy rất hài lòng do dịch vụ nhanh, giá thành hạ so với taxi truyền thống. Tôi thực sự thấy khó hiểu khi một số cơ quan chức năng cho rằng, đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần bị cấm. Không chỉ có tôi mà nhiều người đã đặt câu hỏi: Thay vì cấm, sao không nâng cấp chất lượng dịch vụ, cách tổ chức và áp dụng công nghệ của hoạt động taxi nói chung. Thực tế cho thấy lợi ích của Uber trong việc tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng cơ hội tiếp cận cho người dùng và chất lượng dịch vụ. Vậy tại sao các hãng taxi không xem yếu tố này là thách thức cạnh tranh của họ, để đổi mới chính năng lực của mình, hiện đại hóa công cụ quản lý và dịch vụ? Cơ quan quản lý cần có quan điểm và thái độ tích cực hơn với các loại hình dịch vụ mới, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.