Vợ cản trở không cho phép thăm con thì phải giải quyết như thế nào?

0
352

Câu hỏi:

Tôi đã ly dị vợ 3 tháng. Tôi có đến thăm con gái mình 2 tuổi nhưng vợ và gia đình vợ đã ngăn cản làm khó tôi, thậm chí đe dọa đánh tôi nếu tôi còn vào nhà vợ để thăm con. Cho tôi hỏi:

Tôi phải giải quyết như thế nào để có thể được gặp con gái của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật thì việc vợ bạn không cho phép bạn thăm nom con là sai với quy định của pháp luật. Theo đó, việc hai vợ chồng bạn ly hôn chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai bên theo quy định của pháp luật chứ không chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ và con. Do đó, sau khi ly hôn bạn vẫn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha đối với con. Cụ thể:

Điều 82 luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

 “1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  2. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì sau khi ly hôn bạn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai có quyền cản trở, bao gồm cả cha (mẹ) hoặc gia đình trực tiếp nuôi con.

Điều này cũng được ghi nhận tại Điều 83 luật Hôn nhân và gia đình:

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Trường hợp gia đình vợ bạn có hành vi đe dọa đánh nhằm ngăn cản việc thăm nom con của bạn thì bạn có quyền trình báo cơ quan công an để được yêu cầu được giải quyết. Theo đó, cơ quan công an, ủy ban nhân dân xã, phường sẽ có nghĩa vụ đứng ra hòa giải về việc thăm nom con của cha, mẹ, nếu bên cơ quan công an đưa ra biện pháp (yêu cầu bạn đăng ký thời gian thăm nom con cũng như địa điểm được thăm con) mà hai vợ chồng bạn đồng ý thì sẽ thực hiện theo biện pháp mà cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân đưa ra. Còn trường hợp biện pháp mà bên công an hoặc ủy ban nhân dân đưa ra không hợp lý, hai bên bố, mẹ không đồng ý thì bạn có quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa án để được giải quyết.

Mặt khác, nếu trong quá trình thực hiện quyền thăm nom con mà gia đình vợ bạn có hành vi đe dọa hành hung nhưng thực tế việc hành hung ấy chưa diễn ra thì chưa đủ căn cứ để truy cứu về tội cố ý gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn có quyền thông báo trực tiếp cho cơ quan công an xã, phường nơi vợ bạn cư trú để giải quyết.