Ý kiến của LS Nguyễn Thanh Hà về Kiến nghị xử lý hình sự để “xóa sổ” xe quá tải?

0
486

Trong bài viết Kiến nghị xử lý hình sự để “xóa sổ” xe quá tải? của tác giả Ngân Tuyền trên Báo an ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

ANTĐ – Tiếp sau đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe quá chén của Ủy ban ATGT Quốc gia, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất xử lý hình sự hành vi tái phạm chở hàng quá tải trọng từ 150%.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mặc dù việc siết chặt quản lý tải trọng đã thực hiện hơn 1 năm qua nhưng vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm, chở quá tải trọng từ 100-200%. Thậm chí, nhiều trường hợp tái phạm. Vì vậy, việc xử lý hình sự hành vi tái phạm chở hàng quá tải trọng 150% trở lên là biện pháp cần thiết. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải: “Chở quá tải trên 150% sẽ phá vỡ kết cấu đường sá – tài sản quốc gia – nên có thể quy là hành vi phá hoại tài sản”. Hơn nữa, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đơn vị này chỉ đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi cố tình tái phạm chứ không phải vi phạm lần đầu. “Tổng cục Đường bộ đề nghị như vậy vì thấy rằng, thời gian qua, việc nâng mức phạt hay tịch thu Giấy phép lái xe dù thu được kết quả khả quan nhưng chưa triệt để”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến đồng tình với kiến nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: “Tôi ủng hộ kiến nghị xử lý hình sự hành vi tái phạm chở hàng quá tải”. “Việc siết chặt quản lý tải trọng sẽ góp phần đưa thị trường cước vận tải hàng hóa về đúng giá trị thực, năng lực của doanh nghiệp cũng được khẳng định. Về lâu dài, sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải phát triển bền vững, lành mạnh”, ông Lê Văn Tiến nói. Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cũng cho rằng, việc xử lý cần đúng người đúng tội, tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”. Do đó, không chỉ xử phạt lái xe mà cần xem xét cả trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, người sử dụng dịch vụ vận tải, người xếp hàng…

…hay tăng gánh nặng cho xã hội?

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, xử lý hình sự hành vi chở hàng quá tải trọng là quá nặng và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu quan điểm, xe quá tải phá hoại công trình giao thông thì nên tăng nặng mức xử phạt vi phạm, có thể xử lý ở mức cao nhất nếu cố tình tái phạm để tăng tính răn đe và giáo dục nhận thức. “Kiến nghị như đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là mong muốn chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trong năm 2015 như quyết tâm của Bộ GTVT đưa ra. Song làm bất kỳ điều gì cũng phải tuân theo luật pháp. Mong muốn của Tổng cục Đường bộ cũng phù hợp với mong muốn của nhân dân, không ai muốn những con đường bị xe quá tải phá hoại nhưng chúng ta cũng luôn tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ theo pháp luật”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Để góp phần hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng xe quá tải trọng, ông Bùi Danh Liên cho rằng, nên áp dụng hình thức xử phạt nặng, xử phạt lũy tiến theo lượng hàng quá tải và theo số kilomet mà xe đã lưu hành. Ví dụ, một xe chở hàng quá tải trọng chạy từ TP.HCM ra Đồng Nai sẽ bị xử phạt 10 triệu đồng, nhưng nếu chở hàng ra đến Hà Nội thì mức phạt phải tăng lên gấp 5 hay 10 lần. “Nếu bất kỳ hành vi vi phạm hành chính nào mà chúng ta không ngăn chặn được cũng chuyển sang xử lý hình sự thì sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ quan thực thi pháp luật. Vì xử lý hình sự cần phải lập án, lập hồ sơ, điều tra….”, ông Bùi Danh Liên nói.

Tương tự, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX vận tải Bắc Nam cho rằng: “Tôi ủng hộ việc tăng nặng chế tài và phạt lũy tiến đối với hành vi chở hàng quá tải trọng. Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc chuyển từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự, vì như vậy quá nặng”. Theo ông Nguyễn Việt Anh, hành vi chở hàng quá tải trọng không chỉ phụ thuộc vào lái xe mà còn phụ thuộc vào người xếp hàng, chủ hàng, doanh nghiệp…

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B: Phải hết sức thận trọngĐể đảm bảo tính răn đe, vừa qua, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xử lý hình sự với người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định và lái xe chở hàng quá tải trọng trên 150% mà tái phạm. Tôi cho rằng đề xuất này nhằm hướng đến việc nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân, là biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cần có một chế tài mạnh để xử lý, nhưng chế tài ở mức độ nào thì cần cân nhắc kỹ. Theo quy định tại nhiều nước phát triển, lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định hay chở hàng quá tải trọng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, người vi phạm có thể bị khởi tố hình sự và chịu hình phạt tù. Ở nước ta hiện nay, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở cao hơn mức quy định, xe chở hàng quá tải vẫn diễn ra khá phổ biến. Về cơ sở pháp lý, Bộ luật Hình sự chưa có quy định xử lý đối với lái xe trong 2 trường hợp nêu trên nếu họ chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên hiện những hành vi này vẫn chỉ bị xử lý hành chính. Tuy vậy, trong thực tế, ngay cả việc xử lý hành chính cũng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. 

Ngoài ra, nếu áp dụng hình phạt tù với những người có hành vi trên, nhiều vấn đề sẽ phát sinh như cơ sở vật chất (nơi giam giữ), lực lượng thực thi pháp luật có đáp ứng đủ? Chưa kể đến những vấn đề liên quan đến lý lịch cá nhân của người bị phạt tù, áp lực từ dư luận xã hội và vô số hệ lụy khác… Do vậy, theo quan điểm của tôi, thay vì xử lý hình sự, trước mắt cần áp dụng triệt để các quy định pháp luật hiện hành để xử lý đúng, đủ và nghiêm đối tượng vi phạm. Với người chở quá tải lần đầu hay nồng độ rượu bia không quá cao so với mức cho phép thì nên phạt tiền, kèm theo lao động công ích, thậm chí cấm lái xe trong một thời gian nhất định… Nếu cá nhân đó tái phạm có thể phạt tiền thật nặng hoặc cấm lái xe vĩnh viễn. Tái phạm nhiều lần với mức độ nghiêm trọng mới nên áp dụng hình phạt tù…

Dẫn nguồn từ Anninhthudo.vn