Điểm b khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định một trong các đối tượng bị cấm làm người quản lý doanh nghiệp là: “Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”. Như vậy, việc cán bộ, công chức có bị cấm làm người quản lý hay không là do pháp luật về cán bộ, công chức quy định chứ không phải Luật Doanh nghiệp 2005 quy định.
Theo quy định tại Điều 20 Luật cán bộ công chức 2008, Điểm b khoản 1 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005 thì không chỉ có cán bộ, công chức bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp, thậm chí đến cả viên chức cũng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị cấm “Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Tình huống: Công ty cổ phần A có cổ đông là pháp nhân X. Ông Phạm Văn T là người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân X trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị. Sau đó, người ta phát hiện ông Phạm Văn T đang là giảng viên biên chế của một trường đại học công lập trước khi trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Câu hỏi được đặt ra là: Ông T có thuộc đối tượng bị cấm làm thành viên Hội đồng quản trị không?
Ông T là giảng viên biên chế của một trường đại học công lập nên ông T là viên chức theo quy định tại Quyết định 78/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 03 tháng 11 năm 2004. Do ông T là viên chức nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005, ông T bị cấm quản lý doanh nghiệp. Mà theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần là người quản lý doanh nghiệp nên suy ra ông T bị cấm làm thành viên Hội đồng quản trị.
Hiện nay, hiện tượng phổ biến trong xã hội là cán bộ,công chức, viên chức thành lập và quản lý doanh nghiệp rất nhiều. Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức vẫn có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn còn xảy ra. Những hiện tượng này là vi phạm điều cấm của Luật Doanh nghiệp 2005. Nếu căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 2005 thì có rất nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tình huống: Khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cần lưu ý rằng khi chuyển doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005 thì người quản lý trong công ty được chuyển đổi cần phải tuân thủ đúng pháp luật. Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay đều là công chức, viên chức thì sau chuyển đổi họ không thể tiếp tục làm người quản lý, điều hành công ty được chuyển đổi nữa vì pháp luật về cán bộ, công chức và Luật phòng chống tham nhũng 2005 đã cấm họ làm người quản lý doanh nghiệp. Do đó buộc chủ sở hữu phải bổ nhiệm hoặc thuê người dân vào vị trí người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển đổi. Tuy nhiên, khi thực hiện điều này thì có một vấn đề được đặt ra là việc bổ nhiệm hoặc thuê người dân vào vị trí người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi có phải tuân theo quy trình tuyển dụng công chức, viên chức không. Ngoài ra người dân không nằm trong cơ cấu tổ chức của chủ sở hữu thì có cơ hội được chọn không?
Còn một vấn đề khác là việc chuyển đổi dẫn đến việc đội ngũ lãnh đạo công ty nhà nước buộc phải lựa chọn hoặc là ra khỏi biên chế để có thể tiếp tục làm người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi, hoặc là giữ biên chế và thôi làm người quản lý. Giải pháp nào cũng là nan giải vì: Nếu ra khỏi biên chế để có thể tiếp tục làm người quản lý thì lúc đó họ đã trở thành dân thường và nằm ngoài biên chế tổ chức của chủ sở hữu thì liệu có cơ hội để tiếp tục làm người quản lý nữa không? Ngược lại, nếu giữ biên chế thì họ không được làm người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi vậy thì sẽ điều động họ công tác ở đâu? Xem ra bài toán tìm người quản lý cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi còn lắm gian truân.
Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.