CÓ ĐƯỢC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG “TẠM NGỪNG VIỆC” DO ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19?

0
528

Trong thời gian qua, dưới sự ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp công suất sản xuất để ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, việc làm của Người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Trong những trường hợp như vậy, Người sử dụng lao động có được phép yêu cầu ngừng việc tạm thời đối với Người lao động hay không?

1. Có được phép yêu cầu “Tạm ngừng việc” với Người lao động do Covid 19?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc…”.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, Người sử dụng lao động có thể yêu cầu ngừng việc với Người lao động và thoả thuận về mức lương ngừng việc theo quy định.

Mặc dù vậy, Bộ luật Lao động hiện hành lại không có hướng dẫn cụ thể để hiểu như thế nào được xem là dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Khoản 13 Điều 2 Luật Phòng, chống  truyền nhiễm 2007: “Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định”. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

  1. Nhóm A gồmcác bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
  2. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
  3. Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Theo đó, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/Qđ-TTg, xác định dịch bệnh Covid 19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Ngoài ra, để làm rõ các trường hợp Người lao động ngừng việc do dịch bệnh Covid 19 và việc trả lương ngừng việc cho người lao động, ngày 15/7/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 264/QHLDTL-TL hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid 19. Theo đó, các trường hợp Người lao động phải ngừng việc do tác động trực t của dịch Covid 19 bao gồm:

  1. Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  2. Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong toả theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
  3. Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  4. Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được do chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc được.

Như vậy, dịch bệnh Covid 19 hiện nay được xem là dịch bệnh nguy hiểm, Doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức “ngừng việc” theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019 và trong một số trường hợp đã được hướng dẫn tại Công văn số 264/QHLDTL-TL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như trên.

2. Tiền lương ngừng việc

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019, tiền lương ngừng việc được thực hiện như sau:

  1. Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  2. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.