Mô hình đầu tư tài chính siêu lợi nhuận: Cần cảnh giác

0
523

Vừa qua, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã có bài trả lời phỏng vấn về tình trạng các mô hình đầu tư tài chính, gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận nở rộ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Thời gian vừa qua nở rộ các mô hình đầu tư tài chính, gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận, anh có nhận xét hay đánh giá gì về các mô hình này?

Trả lời:

Các mô hình đầu tư tài chính “siêu lợi nhuận” có hai yếu tố rõ ràng là mức lợi nhuận cực cao và trả lãi việc phát triển mạng lưới theo mô hình đa cấp.

Các mô hình này ban đầu cung cấp cho các nhà đầu tư một môi trường an toàn cho việc đầu tư tiền và sau đó hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm trong thời hạn không chỉ một năm mà là một tháng, thậm chí là trong một tuần, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không.

Đương nhiên, mức độ rủi ro của hình thức đầu tư này cũng là điều tất yếu và dễ nhận thấy, khi rất nhiều công ty đầu tư gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, song vẫn xuất hiện tình trạng nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui.

Ở Việt Nam, các loại “tiền ảo” không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại “tiền ảo” làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Thậm chí, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường tiền ảo được tổ chức theo mô hình kinh doanh đa cấp diễn ra phức tạp, nhiều vụ lừa đảo xảy ra gây nhiều hệ lụy cho người dân.

  1. Biến tướng của những hành vi này để lại hậu quả gì cho người đầu tư?

Trả lời:

Việc các đối tượng kinh doanh bằng hình thức đầu tư tài chính siêu lợi nhuận đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, khả năng thua lỗ gần như bằng không…, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và đổi đời nhanh chóng, cộng với cái “mác” sử dụng công nghệ cao khiến các nhà đầu tư càng chủ quan trong việc định hình các yếu tố lừa đảo, dễ dàng giao tiền cho các tổ chức, cá nhân nêu trên, dẫn đến trình trạng mất sạch toàn bộ số tài sản đã dùng để đầu tư sau khi các đối tượng nêu trên tuyên bố phá sản và bỏ trốn, cũng như không có khả năng để đòi lại.

Mặt khác, một số công ty hoạt động qua các ứng dụng chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, do đó, việc các nhà đầu tư đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất thêm phí ảo hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, đây là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

  1. Hành vi này có bị khởi tố hình sự không? Mức phạt cao nhất cho những hành vi này là gì?

Trả lời:

Hành vi thông qua hình thức đầu tư kinh doanh để tiến hành chiếm đoạt tài sản của người khác hoàn toàn có đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật hình sự.

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; …”.

Mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 174 là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, nếu các tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

  1. Theo anh cần phải có chế tài như thế nào cho những hành vi này nhằm hạn chế đến mức thiệt hại cho người dân?

Trả lời:

Các chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện Bộ luật Hình sự cũng đã quy định. Tuy nhiên, nếu không sớm có cơ chế điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể, hoạt động này sẽ tiếp tục biến tướng, ngày càng nhiều người dân cho rằng họ bị chiếm đoạt tiền. Do vậy, trong thời gian chờ khung pháp lý, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn, cảnh báo sớm các hoạt động này.

Bên cạnh đó, khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư tài chính cần phải được quy định rõ. Những hành vi nào bị cấm, những “sàn giao dịch” nào thì được phép thực hiện. Người dân sẽ tham khảo khung pháp lý để nhận biết các mô hình kinh doanh nào hợp pháp, các mô hình nào là biến tướng, lừa đảo.

  1. Anh có khuyến cáo và lưu ý gì cho người dân trước khi có ý định tham gia đầu tư vào những kênh tài chính như thế này?

Trả lời:

Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tài chính, hết sức cảnh giác và tỉnh táo với các kênh tài chính như thế này bởi có rất nhiều rủi ro với hậu quả vô cùng lớn.

Các mô hình đầu tư lừa đảo có điểm chung dễ nhận thấy nhất đó là nhấn mạnh vào tỷ lệ sinh lời cao. Những mô hình đầu tư với lời hứa hẹn mức lãi suất gấp nhiều lần ngân hàng, với lời quảng cáo gắn mác “siêu lợi nhuận” sẽ luôn có yếu tố lừa đảo. Bởi lẽ nếu thật sự có mức lợi nhuận 2-4%/ngày, thì các công ty sẽ dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn với số tiền đầu tư lớn, không cần thiết phải mời gọi các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Chỉ cần mức lãi suất cao hơn 3 lần mức lãi suất ngân hàng thì nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn.

Các mô hình đầu tư “siêu lợi nhuận” hiện đang biến tướng từ mô hình đa cấp thành nhiều phiên bản, người dân cần học cách nhận biết các loại hình này để tránh “sập bẫy”.

Các hình thức kinh doanh đầu tư của những kẻ lừa đảo không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Người tham gia đầu tư không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ và không được biết họ làm gì ra tiền để trả lãi. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng với những lời mời gọi có tính chất như vậy.

Sau khi thực hiện các chiêu bài lừa đảo, những kẻ lừa đảo thường ôm tiền biến mất. Rất khó để cơ quan chức năng lần ra tung tích và việc lấy lại tiền lại càng khó. Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác ngay từ đầu để tránh “sập bẫy”.