Thành lập doanh nghiệp: Cần quan tâm gì?

0
456

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ. Từ phong trào này đã có nhiều doanh nghiệp thành công nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp thất bại. Một trong những lý do thất bại là các doanh nghiệp mới thành lập thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không lường trước được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Sau đây là một số vấn đề pháp lý cần quan tâm khi thành lập doanh nghiệp:

Thứ nhất, về tên doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì:

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài không được trùng với tên viết bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký. Tên viết tắt của doanh nghiệp không được trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký. Việc chống trùng tên tại Khoản này áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Tên doanh nghiệp bao gồm hai thành tố (Điều 18 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP):

Thành tố thứ nhất: Loại hình doanh nghiệp;

Thành tố thứ hai: Tên riêng của doanh nghiệp.

Các bạn có thể truy cập vào Website của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để tra cứu xem tên mình dự định đăng ký có bị trùng lẫn với các doanh nghiệp đã thành lập trước đó không.

Thứ hai, địa chỉ trụ sở chính

Trong hoạt động của doanh nghiệp cơ quan quản lý thuế luôn gửi các thông báo đến trụ sở chính của doanh nghiệp khi có yêu cầu với doanh nghiệp. Địa chỉ trụ sở chính cần rõ ràng để công văn có thể chuyển được đến với doanh nghiệp. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa tránh trường hợp cơ quan quản lý thuế quy kết doanh nghiệp bỏ trốn khổi địa điểm kinh doanh.

 Khi lựa chọn địa chỉ trụ sở chính nên chọn địa điểm có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất, nhà để thuận tiện cho việc mua hóa đơn GTGT của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, cần xác định vốn điều lệ của công ty

Căn cứ theo Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.

Thêm vào đó Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về tài sản góp vốn thì:

1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn”.

Do đó, các nhà đầu tư cũng cần xác định rõ loại tài sản nào mà nhà đầu tư sẽ dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp (ví dụ như tiền đồng, ngoại tệ, vàng, cổ phiếu, bất động sản, động sản, …).

Riêng đối với tài sản góp vốn không phải là tiền đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì cần phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá, để làm cơ sở cho việc góp vốn và hạch toán kế toán, thuế của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư cần thiết phải trao đổi với nhau để thống nhất phương thức định giá và tổ chức định giá trước khi thành lập doanh nghiệp hay thậm chí là tự thỏa thuận định giá với nhau – và có thể đưa vào trong hợp đồng/thỏa thuận thành lập doanh nghiệp.

Việc này nhằm tránh trường hợp sau khi doanh nghiệp được thành lập xong, nhưng các bên không thỏa thuận được với nhau về phương thức định giá hay tổ chức định giá hoặc là giá trị của tài sản góp vốn, gây đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ tư, loại hình doanh nghiệp

Có rất nhiều loại hình doanh nghiệp để các sáng lập viên lựa chọn, mỗi loại hình có những ưu nhược điểm khác nhau và phù hợp với hình thức kinh doanh của từng loại ngành nghề. Phổ biến nhất hiện nay là loại hình Công ty TNHH và Công ty cổ phần.

Để tham khảo thêm quy định riêng về cơ cấu tổ chức lẫn các vấn đề khác liên quan đến các loại hình doanh nghiệp các sáng lập viên có thể tham khảo trong Luật doanh nghiệp để lựa chọn cho phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình.

Thứ năm, về ngành nghề kinh doanh

Xác định được ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp rất quan trọng vì ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh thông thường, ở một số loại ngành nghề, các nhà đầu tư còn phải xin thêm giấy phép kinh doanh, phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc phải đáp ứng thêm một số điều kiện đặc thù của ngành nghề đó mà pháp luật quy định cũng như phải thực hiện đúng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì tùy từng ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ được yêu cầu phải: xin giấy phép kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho ngành nghề kinh doanh đó (ví dụ như đối với ngành sản xuất phim, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp trước khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh); hoặc đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hội, an toàn giao thông và quy định về các yêu cầu khác đối với hoạt động kinh doanh tại thời điểm thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ như kinh doanh karaoke, vũ trường …).

Đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định như như kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định 2 tỷ đồng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 tỷ đồng), các nhà đầu tư phải chuẩn bị văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cụ thể là xác nhận của ngân hàng).

Đối với ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề như kinh doanh dịch vụ pháp lý, kiểm toán, kế toán, thì tùy theo từng loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu hoặc người quản lý doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.

Do đó, việc xác định ngành nghề kinh doanh là rất quan trọng cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần phải chắc chắn là mình có thể thỏa mãn các điều kiện pháp lý để có thể xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước thay vì lo tập trung cho các công việc khác mà phải tốn kém chi phí, ví dụ như đặt cọc thuê nhà, thuê mướn nhân viên, rồi cuối cùng nhận ra là mình chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, về Hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Tùy vào loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn thì thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ khác nhau. Cụ thể:

-Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân (Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2014).

-Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty hợp danh (Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2014).

-Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn (Điều 22 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

-Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần (Điều 23 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Tóm lại, tùy từng trường hợp mà nhà đầu tư cần chuẩn bị những vấn đề nêu trên trước khi đăng ký kinh doanh. Sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà đầu tư trong giai đoạn này sẽ giúp cho việc tiến hành đăng ký kinh doanh sau đó được thuận lợi hơn rất nhiều, tránh được những sự từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa từ cơ quan đăng ký kinh doanh, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.