Câu hỏi: Công ty tôi và công ty B từng gọi điện trao đổi với nhau về việc xác lập mua 10 chiếc máy tính của công ty B. Chúng tôi có thỏa thuận nếu xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC. Sau đó công ty chúng tôi gặp vấn đề trong kinh doanh nên chưa muốn mua 10 chiếc máy này vội. Tôi đã gọi điện lại cho bên kia và nói là muốn hủy nhưng bên đó không đồng ý và nói sẽ gửi đơn đến VIAC. Vậy công ty tôi có được hủy thỏa thuận này không? Thỏa thuận trọng tài kia có được chấp nhận không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc công ty bạn có được hủy bỏ thỏa thuận này không thì theo Điều 24 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
“1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, hợp đồng này không bắt buộc phải lập dưới dạng văn bản nên việc 2 công ty xác lập hợp đồng qua lời nói được chấp thuận. Vậy nên trường hợp công ty B yêu cầu bên bạn bồi thường hoặc áp dụng chế tài phạt vi phạm thì công ty bạn cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chứng minh nội dung hợp đồng hoặc hợp đồng có thật hay không sẽ thuộc trách nhiệm của công ty B theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thứ hai, về việc thỏa thuận trọng tài có hiệu lực hay không?
Theo quy định tại Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định như sau:
“Điều 18. Thoả thuận trọng tài vô hiệu viết:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này”.
Điều 16, Luật TTTM 2010 quy định:“ Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản”.
Như vậy, vì hai bên trao đổi bằng lời nói nên thỏa thuận trọng tài trong trường hợp này không được chấp thuận. Trường hợp 2 bên xảy ra tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Xem thêm: Luật sư trọng tài thương mại
Xem thêm: Luật sư trọng tài quốc tế