Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý Ngoại thương với sự thống nhất từ phía đa số các đại biểu. Theo đó, Luật Quản lý Ngoại thương quy định việc quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
– Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường.
– Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân.
– Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Chính phủ quy định:
+ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện;
+ Phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục;
+ Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục.
Ngoài ra, Luật Quản lý Ngoại thương còn quy định một số hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục; Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.
Luật Quản lý Ngoại thương có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.