Dự thảo Luật Doanh nghiệp và quyền của cổ đông nhỏ

0
343

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn báo Diễn đàn doanh nghiệp về chủ đề Dự thảo Luật Doanh nghiệp và quyền của cổ đông nhỏ, sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

– Luật Doanh nghiệp 2014 đã hạ tỷ lệ biểu quyết tối thiểu từ 75% và 65% xuống 65% và 51%. Đứng trên góc độ quyền lợi của cổ đông thiểu số, ông có đánh giá gì về tỷ lệ này?

Trả lời:

Việc Dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ thông qua nghị quyết từ 75%, 65% xuống tương ứng 65% và 51%, dẫn đến số cổ phần có quyền biểu quyết có thể thay thế toàn bộ cổ đông ra quyết định được điều chỉnh từ mức hơn 48,7% và 42,2% xuống tương ứng chỉ là 33,1% và 26%

Thông thường, thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm 51% phải có quyền quyết định các vấn đề thông thường của công ty.

Tuy nhiên, tăng quyền lợi của nhóm này thì sẽ giảm lợi ích của nhóm khác. Việc hạ tỷ lệ biểu quyết có lợi cho cổ đông lớn thì đồng nghĩa với việc tước bớt quyền của cổ đông thiểu số. Tỷ lệ quá thấp này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ.

 

-Nhiều quan điểm khẳng định, việc hạ biểu quyết như thế sẽ vô hiệu hóa quyền của cổ đông thiểu số, thưa ông?

Trả lời:

Nếu trước kia, nhóm cổ đông sở hữu trên 35% luôn có vai trò phủ quyết, thì nay có thể mất tác dụng, thậm chí nhóm cổ đông sở hữu 49% cũng đành phục tùng nhóm cổ đông sở hữu 51%.

Việc hạ thấp tỷ lệ biểu quyết, đồng thời bỏ quy định về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị và cho phép không bắt buộc phải bầu cử theo phương thức dồn phiếu sẽ dẫn đến nguy cơ cổ đông thiểu số bị mất quyền bầu đại diện của mình vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, làm tăng nguy cơ vô hiệu hóa vai trò của nhóm cổ đông thiểu số.

 

– Việc vô hiệu hóa cổ đông thiểu số và tập trung quyền vào tay cổ đông lớn rõ ràng sẽ làm tăng rủi ro cho công ty. Trường hợp gần đây nhất là Vinaconex, sau khi sở hữu 57,7% và nắm 5/7 ghế HĐQT, nhóm An Quý Hưng đã lập tức tăng quyền cực lớn cho chủ tịch, tổng giám đốc (được phép quyết chi cả nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT). Cổ đông thiểu số dù bức xúc nhưng không có cách nào ngăn chặn được.

Trả lời:

Đây là hệ quả tất yếu. Đó là còn chưa kể đến trước kia Luật bắt phải thông qua 13 vấn đề, trong đó có vấn đề chung là thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ cần tỷ lệ 75%, thì hiện nay chỉ còn 5 vấn đề, trong đó không có việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, với tỷ lệ 65%.

Và đặc biệt hơn nữa là việc hạ tỷ lệ thông qua nghị quyết lấy ý kiến bằng văn bản từ 75% xuống còn 51%. Tận dụng tối đa quy định này, nhóm 51% có thể giành toàn bộ quyền lực, quyết định 100% vấn đề của công ty một cách hợp pháp.

 

– Với những thực tế ông đã phân tích, liệu cổ đông thiểu số có thể dựa vào đâu để đảm bảo quyền lợi cho mình?

Trả lời:

Nhóm cổ đông thiểu số chỉ có thể đảm bảo quyền lợi của mình nếu biết nắm bắt cơ hội, bắt tay nhau giữ vững tỷ lệ biểu quyết cao hơn mức tối thiểu 51 – 65% trong Điều lệ thì còn có quyền phủ quyết nhất định.

Còn đã để nhóm cổ đông chi phối sửa hạ chuẩn luật chơi thì nay chỉ còn biết trông chờ vào sự thiện chí của nhóm cổ đông lớn.

– Vậy tòa Tòa án có thể là một chỗ dựa cho cổ đông thiểu số không?

Trả lời:

Cổ đông thiểu số có thể khởi kiện dân sự thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc nhưng với ít nhất 03 điều kiện:

Thứ nhất sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông.

Thứ hai phải sở hữu liên tục trong thời hạn 06 tháng trở lên.

Thứ ba, quan trọng nhất là người quản lý phải vi phạm nghĩa vụ gì đó theo luật định.

Tuy nhiên, nhìn chung là rất khó khởi kiện và có kết quả phán quyết thuận lợi nếu không chứng minh những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm cổ đông lớn.

 

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp, ông có đóng góp gì để dự thảo này được hoàn thiện hơn, thưa ông?

Trả lời:

Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập cần sửa đổi để hoàn thiện hơn. Cụ thể là:

Thứ nhất, quy định về xác định người có liên quan không bao quát hết các đối tượng cần kiểm soát nhằm ngăn ngừa các giao dịch có nguy cơ tư lợi trong doanh nghiệp

Các giao dịch có nguy cơ tư lợi trong doanh nghiệp thường là các giao dịch do những người quản lí, thành viên, cổ đông lớn trong công ty nhân danh công ty thiết lập các giao dịch mang lại lợi ích cá nhân cho họ chứ không phải lợi ích cho công ty mà họ đại diện.

Để ngăn ngừa các giao dịch tư lợi đó, Luật DN năm 2014 đã quy định các giao dịch cần phải được kiểm soát trước khi giao kết và thực hiện, trong đó có giao dịch giữa công ty với người có liên quan của chủ sở hữu công ty; người có liên quan của người quản lí công ty; người có liên quan của người quản lí công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lí công ty mẹ theo quy định tại các điều 67, 86, 162.

Người có liên quan được quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật DN năm 2014, đó là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong đó có trường hợp tại điểm đ là: Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lí công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối.

Quy định theo hướng liệt kê như trên sẽ dẫn đến việc bỏ sót các trường hợp có mối quan hệ liên quan khác không bị kiểm soát. Ví dụ: giao dịch giữa anh vợ, em vợ của người quản lí công ty với công ty. Giao dịch giữa anh rể/em rể với công ty có mối quan hệ gần gũi tương tự như giao dịch giữa anh vợ/em vợ với công ty nhưng giao dịch sau lại không bị kiểm soát.

Vì vậy, cần bổ sung về người có liên quan của doanh nghiệp trong việc kiểm soát các giao dịch có nguy cơ tư lợi trong công ty.

Thứ hai, Luật DN 2014 phải đưa ra nguyên tắc hoặc định hướng cụ thể bắt buộc điều lệ công ty phải xác định phạm vi thẩm quyền đại diện trong trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Thứ ba, Luật DN năm 2014 chưa quy định về việc xác định lại tỉ lệ phần vốn góp của thành viên sau khi đã xử lí hậu quả của việc định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế của tài sản góp vốn.

Thứ tư là bổ sung quy định trong trường hợp hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì các ý kiến không được gửi về được coi là phiếu không tham gia biểu quyết

Điều 62 Luật DN năm 2014 quy định về thủ tục thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản chưa đề cập đến trường hợp thành viên không gửi ý kiến về công ty. Vậy hành động không gửi phiếu lấy ý kiến về công ty được xếp vào phiếu tán thành hay không tán tán thành với các nội dung được lấy ý kiến? Trong khi đó, đối với công ty cổ phần, Luật DN năm 2014 lại quy định rõ ràng tại Điều 145 theo đó thì phiếu lấy ý kiến không được gửi về được coi là phiếu không tham gia biểu quyết.

Thứ năm là Luật DN năm 2014 cần dự liệu về việc thông qua nghị quyết của hội đồng quản trị công ty cổ phần trong trường hợp số phiếu biểu quyết của thành viên hội đồng quản trị ngang nhau nhưng chủ tịch hội đồng quản trị lại bỏ phiếu trắng.

Khoản 9 điều 153 Luật DN năm 2014 quy định trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định tỉ lệ khác cao hơn, nghị quyết của hội đồng quản trị được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nếu chủ tịch hội đồng quản trị đã bỏ phiếu trắng thì không thể giải quyết được gây khó khăn cho hoạt động quản trị của công ty. Vì vậy, Luật DN cần có quy định hướng dẫn để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị trong các trường hợp như thực tiễn trên