Gửi tiền công đức qua ví điện tử liệu có hợp pháp

0
331

Bấy lâu nay, việc quản lý hòm công đức và minh bạch tiền công đức không phải nơi đâu cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, với ví điện tử thì việc minh bạch này hoàn toàn dễ dàng. Đây chính là lý do quan trọng nhất khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn áp dụng hình thức cúng dường qua ví điện tử được rộng rãi hơn. Tuy nhiên pháp luật có quy định cụ thể về hình thức này không và trách nhiệm quản lý tiền công đức là của cá nhân hay tổ chức nào thì chúng ta cần phải làm rõ. Liên quan đến vấn đề này uật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Câu hỏi:

Dạ thưa Luật sư, hiện em đang tìm hiểu vấn đề một số ứng dụng ví điện tử (chẳng hạn như momo ) đang cung cấp dịch vụ góp tiền công đức online. Theo công bố, đây là một dịch vụ trung gian, thu hộ tiền công đức cho các Chùa trong cả nước. Vậy Luật sư Hà có nhận định ra sao về tính hợp quy, phù hợp với quy định pháp luật của dịch vụ nói trên ạ?

Trả lời:

Theo Khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tiền công đức là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng và định đoạt.

Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

Như vậy, tổ chức tôn giáo có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tiền công đức nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo và các mục đích khác không trái pháp luật.

Tiếp đến là vấn đề hợp pháp của các dịch vụ trung gian, thu hộ tiền công đức cho các Chùa trong cả nước. Như chúng ta đã biết trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày là điều tất yếu. Chúng ta đang là những công dân số, và chúng ta cũng đang thực hành văn hoá số. Thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Chính vì vậy, việc cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện.

Và các dịch vụ thu hộ tiền công đức cho các chùa qua các ví điện hay các hình thức online thì đó cũng chỉ là trung gian cho việc quản lý hoạt động công đức này mà thôi. Và việc trung gian này nó không vi phạm pháp luật khi nó thể hiện rõ được các thông tin của người gửi và người nhận công đức vấn đề chính cần quản lý là việc sử dụng các khoản công đức này như thế nào để không vi phạm pháp luật.

Mặt khác có thể thấy rằng, việc đóng góp tiền công đức online cũng góp phần tạo điều kiện cho việc quản lý các khoản tiền này được dễ dàng và minh bạch hơn. Thay vì việc ghi chép và kiểm tra, thông kê các khoản công đức bằng phương pháp truyền thống thì việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động này cũng góp phần thuận tiện hơn rất nhiều. Chỉ cần một thao tác đơn giản chúng ta có thể kiểm tra sao kê các khoản công đức và tổng hợp, lưu trữ cá khoản này một cách hiệu qủa và tiện lợi. Việc cúng dường theo hình thức này cũng góp phần hạn chế được những  hiện tượng không phù hợp như đổi tiền lẻ, gài tiền vào tay tượng hay cách thức sử dụng tiền công đức, ….gópphần làm đẹp hơn hình ảnh các di tích trong mắt các du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để tránh các trường hợp lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo nhằm trục lợi và thực hiện những hoạt động trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của đất nước, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các khoản tiền này được thu chi đúng mục đích.