Trở ngại pháp lý trong hoạt động sáp nhập và hợp nhất công ty chứng khoán.

0
514

Trong chương trình Chương trình Chứng khoán cuối tuần phát song lúc 8h30 ngày 25/10/2014, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên Việt Dương về những trở ngại pháp lý trong hoạt động sáp nhập và hợp nhất công ty chứng khoán.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Theo ông, trở ngại chính trong hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề Sáp nhập và hợp nhất giữa các CTCK hiện nay là gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: theo quan điểm của tôi, việc sáp nhập và hợp nhất giữa các CTCK hiện nay còn có các trở ngại về pháp lý như sau:

Thứ nhất: Hành lang pháp lý cho hoạt động sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp nói chung là chưa rõ ràng, các quy định nằm tản mác trong nhiều luật chuyên ngành như Bộ Luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật đầu tư và luật cạnh tranh. Các quy định này mới chỉ quy định rất chung, chưa cụ thể.

Đối với hoạt động sáp nhập và hợp nhất của công ty chứng khoán thì đã được quy định đầy đủ hơn trong Luật chứng khoán, nghị định 58 hướng dẫn thi hành và thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật này chỉ quy định về thủ tục và điều kiện cấp lại giấy phép nên khi thực hiện, có nhiều vướng mắc phát sinh về mặt pháp lý mà không có hướng dẫn, dẫn tới khó khan trong quá trình thực hiện cho cả cơ quan nhà nước và cho các bên liên quan.

Cụ thể như vấn đề thông báo hợp đồng hợp nhất, sáp nhập tới các chủ nợ, người lao động của 2 công ty.

Quy định về việc hợp nhất, sáp nhập không ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, quy định này được hiểu cụ thể như thế nào?

Vấn đề cấp lại Giấy phép hoạt động khi đã tiến hành xong thủ tục hợp nhất, sáp nhập, nếu UBCK không tiến hành cấp phép lại cũng là một điều khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa việc hợp nhất và sáp nhập cũng là một vấn đề lớn.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chưa tách bạch khái niệm “ Sáp nhập” với “ Hợp nhất” khiến các CTCK ngại sáp nhập với nhau khi họ sẽ mất nhiều thời gian làm thủ tục xóa bỏ tên Công ty thì mới được Sáp nhập và Hợp nhất. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà; Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định giống nhau về thủ tục hợp nhất và sáp nhập cũng gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Theo quy định của Bộ luật dân sự và luật doanh nghiệp, Hợp nhất và sáp nhập là 2 thủ tục pháp lý hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể là Hợp nhất là giải thể các công ty để thành lập một công ty hoàn toàn mới còn sáp nhập là chỉ giải thể một công ty để nhập vào một công ty khác, công ty này vẫn giữ nguyên.

Nếu hiểu như vậy, việc sáp nhập công ty chứng khoán chỉ cần giải thể một công ty và điều chỉnh giấy phép khi sáp nhập, nhưng hiện tại, cả 2 quy trình này đều đòi hỏi giải thể hết và cấp lại giấy phép mới.

Điều này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiến hành thủ tục vì các doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn.

PV: Cái khó nhất theo nhiều chuyên gia, là việc đảm bảo quyền lợi hai bên giữa các CTCK với nhau, chưa kể việc khó dung hòa cách quản trị và văn hóa cũng là một trở ngại khiến cho quá trình tái cấu trúc CTCK đang khó hơn bao giờ hết. Ông có đánh giá ra sao về nhận định này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: nhận định này của các chuyên gia là hoàn toàn đúng trên thực tế về việc sáp nhập và hợp nhất của doanh nghiệp nói chung.

Việc đảm bảo quyền lợi giữa 2 bên hoặc các bên là rất khó khăn vì thông thường khi hợp nhất và sáp nhập, có một công ty yếu và một công ty mạnh, vì vậy, công ty mạnh có thể sẽ bị thiệt hơn và công ty yếu sẽ được lợi hơn.

Làm sao phải dung hòa được lợi ích của các bên cũng là một vấn đề rất khó khăn trong quá trình sáp nhập.

Bên cạnh đó, việc giải quyết quyền lợi của người lao động, cho ai nghỉ việc, cho ai tiếp tục cũng là vấn đề rất khó khăn.