TƯ VẤN VỀ DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

0
542

Câu hỏi:  Chúng tôi là công ty FDI, Công ty muốn đăng ký thủ tục để xác nhận Doanh nghiệp công nghệ cao.

SBLAW vui lòng tư vấn giúp:

-Thủ tục xác nhận DN công nghệ cao.

-Chi tiết các hồ sơ cần thực hiện và các điều kiện được công nhận.

-Các loại ưu đãi thuế được hưởng.

Trong trường hợp doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi theo dự án đầu tư mới thì có thể chuyển tiếp ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao được không?

Trả lời: Về vấn đề doanh nghiệp hỏi, SBLAW trả lời như sau;

I. ĐIỀU KIỆN CỦA DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg ngày 16/3/2021, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

  1. Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
  2. Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:

a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.

3. Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:

a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5%.

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Theo quy định tại Quyết định số 3390/QĐ-BKHCN ngày 11/12/2021 thì thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao được thực hiện như sau:

  1. Trình tự thực hiện:
  • Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
  • Bộ Khoa học và Công nghệ (trực tiếp là Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) tổ chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
  1. Thành phần hồ sơ:
  • Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao;
  • Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
  • Bản thuyết minh doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Mục I.
  1. Số lượng hồ sơ: 02 bộ, trong đó có 01 một bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô.

III. ƯU ĐÃI THUẾ

  • Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật công nghệ cao 2008, doanh nghiệp công nghệ cao đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Mục I sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu.
  • Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi theo chính sách của doanh nghiệp công nghệ cao. Hiện tại thì quy định của pháp luật chưa ghi nhận hình thức chuyển tiếp hay cộng gộp ưu đãi của dự án đầu tư mới và ưu đãi của doanh nghiệp công nghệ cao.