Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

0
294

Sau đây là nội dung phần trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Câu hỏi: Thưa ông, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế TNDN với các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp xuống còn 15-17%, vậy theo ông mức giảm này có lợi ích như thế nào với DN (Theo ông giữa 2 mức 17% và 15% thì mức nào hợp lý hơn?).

Trả lời: Với việc giảm thuế này, tôi nghĩ là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp, nó thể hiện chính sách quan tâm hỗ trợ của chính phủ đối với doanh nghiệp.

Việt Nam hiện nay có tới 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và kích thích tinh thần khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, điều này cũng đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt nam cũng sẽ ngang bằng với các quốc gia trong khu vực như là Singapore với thuế suất là 17%.

Theo quan điểm của tôi, Quốc hội nên giảm xuống mức 15% thì sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình tái đầu tư, mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.

Thuế giảm cũng giúp các doanh nghiệp ít gian lận thuế hơn.

Câu hỏi: Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, thì việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách? Ý kiến của ông thế nào?

Trả lời: Có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với việc giảm từ 3% tới 5% thuế thì về ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới ngân sách.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, sẽ có lợi cho ngân sách vì với gói kích thích thuế sẽ thúc đẩy người dân đầu tư khởi nghiệp, tạo ra nhiều doanh nghiệp, mục tiêu là 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nếu có gấp đôi doanh nghiệp hoạt động thì về lý thuyết, ngân sách cũng thu được thuế nhiều hơn.

Với việc tạo ra nhiều việc làm, ngân sách nhà nước cũng thu được thêm thuế từ thuế thu nhập cá nhân.
Nhiều doanh nghiệp thì cũng tạo ra nhiều giao dịch, ngân sách cũng thu được thuế gián thu như thuế VAT.

Câu hỏi: Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài giảm thuế, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các thủ tục để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN làm ăn.Đây mới là yếu tố quan trọng giúp DN làm ăn có lãi, từ đó mới được hưởng giảm thuế. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Trả lời: Với tư cách là một doanh nghiệp khởi nghiệp và tư vấn kinh doanh, tôi cho rằng có một đặc thù tại Việt Nam của các doanh nghiệp đó là các khoản chi phí bên ngoài sổ sách kế toán của công ty chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Các khoản chi này có một phần vào việc chi cho việc bôi trơn, cho các thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra chi phí lobby để thuận lợi cho công việc, điều này lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Vì vậy, ngoài việc giảm thuế, chúng tôi cho rằng Chính phủ cần quyết liệt trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, chống nhũng nhiều của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ vào thủ tục hành chính, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp từ người dân với cơ quan hành chính.