Làm lộ thông tin quan trọng của công ty có thể bị xử lý ra sao?

0
574

Câu hỏi: Em mới xin nghỉ ở một công ty và có lỡ làm lộ thông tin quan trọng của công ty thì theo như luật sẽ bị ảnh hưởng như thế nào ạ?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Thông tư 10/2020/TT – BLLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về Nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con;
  • Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
  1. Nội dung tư vấn

Theo khoản 23 Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009 quy định: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. 

Đối với “bí mật công nghệ”, pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về khái niệm này, chỉ có các định nghĩa về “Công nghệ” theo Luật Chuyển giao công nghệ 2017. Theo đó, Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Đối với người lao động làm việc liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, Khoản 2 Điều 21 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Như vậy, theo các quy định trên, nếu người sử dụng lao động có thỏa thuận với người lao động về việc không tiết lộ bí mật kinh doanh thì người lao động không được làm trái với thỏa thuận

Trong trường hợp của bạn, bạn cần xem xét lại nội quy lao động, hợp đồng lao động và các văn bản, cam kết đã ký với người sử dụng lao động để tìm hiểu liệu thông tin quan trọng mà bạn tiết lộ có thuộc danh mục “bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ” của Công ty hay không?

Trường hợp thông tin mà bạn tiết lộ là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của Công ty thì theo Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT – BLLĐTBXH, trong trường hợp cá nhân làm lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty sau khi đã nghỉ việc thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh còn có thể bị xử phạt như sau:

Điều 16 Nghị định số 75/2019/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Đồng thời, tại khoản 7 Điều 4 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa quy định tại Điều 16 Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh mà chưa được sự cho phép sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng.