Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

0
471

Câu hỏi: Chào luật sư, hiện nay công ty tôi đang có ý định thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế tạo các thiết bị công nghiệp tại Hà Nội. Hiện có một nhà đầu tư Hàn Quốc muốn tham gia đầu tư góp vốn 50% với chúng tôi để thành lập doanh nghiệp. Vậy mong Luật sư giúp tôi thực hiện các thủ tục đăng ký với các cơ quan nhà nước để công ty được sớm đi vào hoạt động. Cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn Quý Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Về việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chúng tôi xin phép được tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, Khách hàng sẽ phải thực hiện 02 bước dưới đây:

–  Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

–  Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  1. Nội dung công việc:

Dựa theo yêu cầu của Khách hàng, Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện công việc theo lộ trình và thời gian như sau:

1.Chuẩn bị hồ sơ: Chúng tôi sẽ thu thập các thông tin và tài liệu cần thiết từ Khách hàng. Khi nhận được đầy đủ các thông tin và tài liệu cần thiết, chúng tôi sẽ dịch các tài liệu từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt và chuẩn bị hồ sơ theo mẫu tiêu chuẩn. Dự thảo đầu tiên của hồ sơ sẽ được gửi cho Khách hàng xem xét. Sau khi đã cập nhật hồ sơ theo các ý kiến của Khách hàng, chúng tôi sẽ xin ý kiến sơ bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và gửi dự thảo hồ sơ cuối cùng cho khách hàng để ký và đóng dấu. Chúng tôi ước tính rằng giai đoạn này sẽ được hoàn thành trong vòng 10 ngày làm việc.

2.Thủ tục cấp phép:

–  Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã được ký và đóng dấu hợp lệ, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

–  Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp là 07 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Thủ tục sau cấp phép: Trong vòng 05 ngày làm việc, chúng tôi sẽ hoàn thành thủ tục sau cấp phép như công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, khắc dấu mới và công bố mẫu dấu mới trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Để tránh hiểu nhầm, trên thực tế, thủ tục hành chính có thể kéo dài hơn do cơ quan nhà nước phải xin ý kiến từ các bộ ngành có liên quan trước khi cấp phép. Trong trường hợp như vậy, SB Law sẽ cố gắng hết sức để đẩy nhanh tiến độ cấp phép và xin các chấp thuận trong thời gian sớm nhất có thể.

4.Phạm vi công việc của chúng tôi sẽ như sau:

Chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ:

  • Thông báo cho Khách hàng về các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam;
  • Dự thảo các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép;
  • Trao đổi với Khách hàng trong việc soạn thảo các tài liệu;
  • Điều chỉnh hồ sơ dựa trên ý kiến của Khách hàng;
  • Tiếp thu ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền;
  • Hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nhận xét của cơ quan có thẩm quyền;
  • Dịch các tài liệu sang tiếng Việt để ký.

Thủ tục cấp phép:

  • Đại diện cho khách hàng nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
  • Theo dõi hồ sơ trong quá trình nhận sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền;
  • Cập nhật cho khách hàng về tiến trình cũng như những yêu cầu thêm, nếu có và;
  • Hỗ trợ khách hàng trong việc nhận Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư và Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp.

Thủ tục sau cấp phép:

Sau khi được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư và Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp, Chúng tôi sẽ hỗ trợ Khách hàng thực hiện các thủ tục sau cấp phép, gồm: (i) công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; và (ii) khắc dấu mới và công bố mẫu dấu trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Lưu ý: Đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, Khách hàng cần lưu ý địa điểm đặt cơ sở sản xuất phải phù hợp với quy hoạch và đảm bảo các quy định nhà nước về an toàn môi trường.

Xem thêm:

Quy định về tiếp cận thị trường, các ngành nghề cấm, hạn chế đầu tư

Trước khi thực hiện việc đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu kỹ lưỡng về quy định tiếp cận thị trường, mở dự án đầu tư mới theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư 2020, cụ thể là các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường hoặc tiếp cận thị trường có điều kiện.

Nguyên tắc, danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và có điều kiện tiếp cận thị trường được hướng dẫn bởi Mục 2, Chương II, Nghị định 31/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Các ngành, nghề cấm đầu tư được liệt kê tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 gồm:

Kinh doanh các chất ma túy;

Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật;

Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên; Kinh doanh mại dâm;

Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

Kinh doanh pháo nổ,

Kinh doanh là mua bán xác người, bào thai người và Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Xem thêm:

Điều kiện về vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế