Thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết được phân chia lợi nhuận và biểu quyết theo số vốn thực góp hay số vốn cam kết góp?

0
405

Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp”.

Khoản 2 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:“Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết”.

Hai quy định này của Luật Doanh nghiệp 2005 tạo ra một hệ quả pháp lý là: Kể cả trong trường hợp thành viên không góp đủ vốn thì thành viên vẫn phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết góp. Ngoài ra giả sử thành viên không góp đủ vốn đúng hạn thì số vốn chưa góp vẫn được coi là nợ của thành viên đối với công ty. Như vậy, trách nhiệm của thành viên không giới hạn trong phạm vi số vốn đã thực góp mà được giới hạn bởi phạm vi số vốn cam kết góp nên về nguyên tắc quyền lợi của thành viên cũng phải được tính toán dựa trên số vốn cam kết góp mới đảm bảo tính công bằng và hợp lý. Do đó, nếu thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết góp mà phần góp thiếu chưa được góp thay thì thành viên được phân chia lợi nhuận và biểu quyết theo số vốn cam kết góp.

Tình huống: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn điều lệ là 40 tỷ đồng thành lập tháng 10/2006, trong đó có bốn thành viên, mỗi người cam kết góp 10 tỷ đồng. Các thành viên thỏa thuận thời hạn góp vốn là một năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau khi hết thời hạn trên, hai thành viên góp đủ, hai thành viên còn lại mới góp được mỗi người 5 tỷ đồng. Hai năm sau, công ty làm ăn có lãi và tiến hành chia lợi nhuận. Câu hỏi được đặt ra là hai thành viên chưa góp đủ vốn được chia lợi nhuận và biểu quyết theo số vốn thực góp hay số vốn cam kết góp?

Theo phân tích ở trên thì hai thành viên góp thiếu vẫn là thành viên với phần vốn 10 tỷ đồng cam kết góp. Do đó, họ sẽ được chia lợi nhuận và biểu quyết theo tỷ lệ phần vốn mà họ đã góp. Đối với số vốn mà họ chưa góp thì được coi là một khoản nợ của họ đối với công ty.

Tuy nhiên, nếu các thành viên có thỏa thuận trong Điều lệ về việc chia lợi nhuận và biểu quyết thì sẽ áp dụng quy định của Điều lệ. Trường hợp Điều lệ quy định rằng các thành viên được hưởng lợi nhuận và biểu quyết theo số vốn thực góp thì sẽ tuân theo quy định đó. Khi thành lập công ty, nên xây dựng Điều lệ cụ thể, rõ ràng để tránh tranh cãi, mâu thuẫn.

 Theo Luật gia Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.