Vi phạm nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán

0
527

Câu hỏi: Tôi là nhân viên kinh doanh. Tháng 01/2017, tôi có bán 1 tủ gỗ trị giá 10 triệu cho 1 người. Lúc giao tủ, tôi chỉ viết biên nhận và có yêu cầu người này ký xác nhận chưa trả tiền cho tôi. Nhưng cho đến nay 12/2017 tôi đòi nhiều lần mà người này không trả. Tôi cũng lưu lại những đoạn tin nhắn đòi tiền và thời gian người này hứa trả tôi. Vậy tôi phải nộp đơn kiện theo trình tự ra sao, gửi đến cơ quan nào và có thể kiện người này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn trình này thì bạn có bán 1 tủ gỗ trị giá 10 triệu cho một người, có giấy biên nhận. Điều này có nghĩa là giữa bạn và người mua có tồn tại hợp đồng mua bán. Bởi, theo Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau:

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.

Theo Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 thì bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

Bạn nêu lúc giao tủ, bạn có viết biên nhận và có yêu cầu người này ký xác nhận chưa trả tiền cho bạn. Nhưng cho đến nay 12/2017 bạn đòi mà người này vẫn không trả. Điều này có nghĩa là người này đang vi phạm nghĩa vụ trả tiền với bạn. Nếu người này vẫn tiếp tục không thanh toán thì bạn có quyền gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này kia đang cư trú để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ khởi kiện gồm:

– Đơn khởi kiện;

– Các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc mua bán giữa bạn và người này.

Ví dụ như giấy biên nhận hàng hóa, các tin nhắn giữa bạn và người này về việc mua đàn và thời gian thanh toán, …

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện của bạn thì Tòa án sẽ xem xét và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Còn về việc khởi kiện người này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trong trường hợp này, nếu người này dùng thủ đoạn gian dối cũng như có ý định chiếm đoạt số tiền mua tủ 10 triệu đồng thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1, Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Các dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:

– Chủ thể: Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự:

– Khách thể: hành vi tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản.

– Mặt khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao gìơ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Và hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Đối với tội này, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng phải rơi vào một trong các trường hợp như: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, đã bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng chưa được xóa án tích.

Như vậy, người mua tủ của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn 4 dấu hiệu nêu trên. Trong trường hợp đó, bạn có thể làm đơn tố giác đến công an cấp huyện nơi người này cư trú để tiến hành điều tra. Kèm theo đơn tố giác bạn gửi theo các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc mua bán giữa bạn và người này.

Còn nếu người này không có các dấu hiệu trên mà đây chỉ là một hợp đồng mua bán thông thường nhưng do gặp khó khăn về kinh tế mà bên mua chưa trả được tiền thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.